Hàng ngàn quân nhân, đồng bào dự lễ tang phi công Trần Quang Khải
7g sáng nay 20-6, hàng ngàn quân nhân thuộc các lực lượng vũ trang, các đoàn thể, người thân và đông đảo người dân đã có mặt tại nhà tang lễ Quân khu 4 để viếng và dự lễ truy điệu Đại tá phi công Trần Quang Khải.
Đại tá phi công Trần Quang Khải tại Trường Sa năm 2013 - Ảnh: Nguyễn Trọng Triết
Đoàn phật tử viếng đại tá Trần Quang Khải - Ảnh: Hồ Văn
Dù mới 4 tuổi nhưng bé Trần Khánh Vân con gái đại tá Khải đã cảm nhận được nỗi mất mát. Mặt bé buồn rười rượi, hỏi thì bé chỉ bảo "nhớ ba" - Ảnh: Hồ Văn
Đông đảo bà con nhân dân Nghệ An và các khu vực lân cận vào viếng đại tá Khải - Ảnh: Hồ Văn
Quan tài đại tá Trần Quang Khải được đưa ra xe để về với quê hương - Ảnh: Hồ Văn9g42: Xe tang bắt đầu lăn bánh đưa đại tá Trần Quang Khải về với đất mẹ. Theo sau là dòng người lặng lẽ rời nhà tang lễ. Tiếng nhạc tiễn đưa vẫn đau thương vang lên không dứt.
9g35: Di hài của đại tá phi công Trần Quang khải được đưa ra xe để về với đất mẹ quê nhà.
9g30: Lễ truy điệu kết thúc trong niềm đau của tất cả mọi người, nỗi đau như cứa vào lòng khi điếu văn kết thúc với lời vĩnh biệt nấc nghẹn.
"Vĩnh biệt đồng chí. Chúng tôi hứa noi gương đồng chí hết mình phụng sự Tổ quốc, đoàn kết, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc".
9g20: Ông Trần Quang Hùng, thay mặt gia đình đại tá Trần Quang Khải cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không không quân, các địa phương, đơn vị và người dân đến viếng, truy điệu đại tá Khải.
9g: Lễ viếng kết thúc. Đúng 9g, Ban tổ chức tiến hành lễ truy điệu cho đại tá phi công Trần Quang Khải. Trung tướng Nguyễn Văn Thanh - bí thư đảng ủy, chính ủy Quân chủng Phòng không không quân, Trưởng ban lễ tang - đọc điếu văn.
8g50: Ngồi lặng bên ngoài hành lang nhà tang lễ, đại úy Nguyễn Việt Hưng - chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không không quân - đơn vị của đại tá Khải - cho biết: “Trong trái tim của chúng tôi, anh Khải là người chỉ huy bản lĩnh, nhạy bén, có kiến thức chỉ huy giỏi và luôn quan tâm đến cấp dưới. Anh cũng luôn truyền cho đồng đội những kinh nghiệm quý giá, lòng nhiệt huyết và tình yêu với bầu trời Tổ quốc”.
8g25: Mặc dù thời tiết bên ngoài nắng nóng nhưng nhiều đoàn của các đơn vị, tổ chức và người dân vẫn kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đến lượt vào viếng phi công Khải.
Các bạn trẻ chưa từng gặp mặt anh ôm bó hoa cúc vàng, đôi mắt đỏ hoe, bày tỏ cảm xúc thương tiếc tới người chiến sĩ đã hi sinh trong thời bình.
8g05: Vào viếng và dâng hương cho đại tá Trần Quang Khải, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã xúc động ghi vào sổ tang: "... Sự hi sinh của đồng chí càng làm tô thắm thêm cho lá cờ truyền thống vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...".
Nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ và các đoàn thể đã không kìm được xúc động, nhiều người đã nấc nghẹn khi dâng hương và chia buồn với gia đình phi công Khải tại lễ viếng.
8g: Trong dòng người đến viếng đại tá Khải có đoàn phật tử của chùa Diệc Cổ Tùng Lâm, TP Vinh với hơn 20 người mang theo vòng hoa, xếp hàng chờ đến lượt viếng.
Bà Đậu Thị Sơn, 66 tuổi, mắt đỏ hoe, xúc động nói: "Từ lúc nghe tin hai chiếc máy bay gặp tai nạn, chúng tôi luôn cầu mong sẽ có phép màu đến với các phi công, các quân nhân đã quên mình vì nhiệm vụ của Tổ quốc. Dẫu biết sinh tử là quy luật nhưng sự hi sinh của những người lính trong thời bình để bảo vệ sinh bình yên cho đất nước, nhân dân khiến chúng tôi rất trân trọng và biết ơn".
7g45: Đại úy Nguyễn Danh Hòa, thuyền trưởng tàu BP 34-98-01, đến dự lễ viếng phi công Khải chia sẻ trong tâm trạng xúc động: "Sự hy sinh của đại tá Khải trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay là một mất mát lớn với gia đình, thân nhân, đồng đội toàn quân...".
Tàu cứu hộ cứu nạn do đại úy Hòa làm thuyền trưởng là chiếc tàu đã đưa phi công Cường vào chiều 15-6, sau khi được một tàu cá ngư dân Hà Tĩnh cứu vớt cách bờ hơn 43 hải lý.
7g15. Dự lễ tang Đại tá Trần Quang Khải có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thượng tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đông đảo ánh mắt đỏ hoe của đồng đội, đồng bào... dõi theo quan tài với niềm thương tiếc vô hạn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết sổ tang - Ảnh: Nguyễn Khánh
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi sổ tang vĩnh biệt đại tá phi công Trần Quang Khải - Ảnh: Hồ VănChủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh...gửi vòng hoa viếng Đại tá Trần Quang Khải.
Gia đình, bạn bè, đồng đội tiến hành làm lễ dâng hương, viếng hương người chiến sĩ không quân anh dũng
Bên trong nhà tang lễ Quân khu 4, không khí khiêm trang chuẩn bị lễ viếng phi công Khải. Hàng trăm người nhà và đồng đồng đội nghiêng mình tưởng nhớ phi công Trần Quang Khải.
7g. Tham dự lễ truy điệu đại tá phi công Trần Quang Khải có phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân nhân các lực lượng vũ trang, các đoàn thể, đông đội, người thân và đông đảo người dân.
Đúng 7g sáng 20-6, lễ truy điệu Đại tá
Các sĩ quan Quân đội nhân dân chờ đến lượt vào viếng - Ảnh: Nguyễn Khánh
phi công Trần Quang Khải bắt đầu. Các đoàn tham dự bắt đầu dâng hương, dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ là phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng vào viếng đầu tiên.
Tiếp theo là đoàn Quân ủy Trung Ương do Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu vào viếng. Các đoàn UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân, các đoàn thể, người thân, đồng đội… lần lượt vào dâng hương.
Trước đó khoảng 6g30 sáng 20-6, Ban tổ chức lễ tang đã thực hiện lễ chế tang phục cho người nhà phi công Khải.
Con gái Đại Tá Trần Quang Khải chắp tay trước di ảnh của cha - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người thân Đại tá phi công Trần Quang Khải làm lễ trong tang lễ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một người thân của Đại tá Trần Quang Khải bật khóc - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đoàn Quân uỷ Trung ương do Thượng tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục chính trị dẫn đầu vào viếng Đại tá Trần Quang Khải - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thượng tướng Lương Cường hỏi thăm người nhà Đại tá Trần Quang Khải - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An viếng tang - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các sĩ quan Quân đội nhân dân chờ đến lượt vào viếng - Ảnh: Nguyễn Khánh
6g. Trên đường Lê Viết Thuật, TP Vinh - trước khu vực dẫn vào Nhà tang lễ Quân khu 4 được thiết lập trật tự chuẩn bị cho lễ viếng và truy điệu đại tá Khải. Rất nhiều cảnh sát giao thông, công an, quân sự và lực lượng kiểm soát quân sự được huy động để đảm bảo giao thông, an ninh trật tự, an toàn cho việc hành lễ.
Trước đó, tối 19-6 tại TP Vinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến động viên, thăm hỏi gia đình thân nhân đại tá Trần Quang Khải.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và cá nhân Phó Thủ tướng đến gia đình đại tá Khải; đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao những đóng góp của Đại tá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong bất kỳ nhiệm vụ nào được giao cũng đều hoàn thành xuất sắc. Sự hy sinh của đại tá Khải là mất mát lớn đối với gia đình, Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng mong muốn, gia đình vượt qua nỗi đau, giành sự quan tâm đặc biệt cho vợ, con nhỏ và bố của đại tá Khải đã cao tuổi đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ có trách nhiệm quan tâm đến gia đình đại tá Khải.
* Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng, Phó tư lệnh Quân khu 4 cho biết, lễ truy điệu đại tá phi công Trần Quang Khải sẽ được tổ chức theo nghi thức Quân đội Nhân dân Việt Nam
Theo đó, lễ viếng được tổ chức từ 7g đến 9g30 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4, đường Lê Viết Thuật, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Các đoàn viếng đại tá phi công Trần Quang Khải - Ảnh: Doãn Hòa
Các đoàn vào viếng phi công Khải - Ảnh: Doãn Hòa
Đông đảo người dân đứng bên ngoài Nhà tang lễ quân khu 4, trước giờ lễ viếng và truy điệu phi công Khải - Ảnh: Doãn Hòa
Lễ truy điệu vào hồi 9g30 đến 10g ngày 20-6.
Đưa thi hài Đại tá phi công Trần Quang Khải vào cảng Hải đội 2 chiều tối 18-6 - Ảnh: Doãn Hòa
Sau đó, thi hài phi công Khải được đưa từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An về quê tại thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.
Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 18g ngày 20-6 đến 7g30 ngày 21-6. Lễ đưa tang phi công Khải diễn ra 8g ngày 21-6 và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, TP Hà Nội. Lễ an táng vào hồi 17g ngày 21-6, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
* Đại tá Trần Quang Khải sinh ngày 20-10-1973, nguyên quán xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, trú quán thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thượng tá phi công Trần Quang Khải đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá. Lễ truy điệu đại tá phi công Khải sẽ được tổ chức sáng ngày 20-6 tại nhà tang lễ Quân khu 4.
Đại tá Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không không quân.
Theo Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Sư đoàn Không quân 371, trong sự nghiệp, phi công Khải được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.
Như Tuổi Trẻ thông tin, khoảng 7g29 sáng 14-6, máy bay Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đang bay huấn luyện trên vùng biển đảo Mắt, Nghệ An - cách TP Vinh khoảng 40km thì bị mất liên lạc.
Trên máy bay gặp nạn có thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, 39 tuổi và thượng tá Trần Quang Khải, 43 tuổi.
Chiều 15-6, phi công Nguyễn Hữu Cường được đưa vào bờ an toàn sau khi được ngư dân Phạm Văn Lệ - chủ tàu cá HT-20219TS phát hiện đang trôi dạt trên biển.
Khoảng 5g sáng 18-6, thi thể phi công Khải được đưa vào bờ sau khi được một ngư dân Nghệ An phát hiện bị cuốn trong dù.
Diễn biến chiếc Su30-MK2 gặp nạn Khoảng 7g29 sáng 14-6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 xuất phát từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện trên vùng biển đảo Mắt, Nghệ An - cách TP Vinh khoảng 40km thì bị mất liên lạc. Trên máy bay gặp nạn có thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923). Khoảng 13g30 chiều 15-6, phi công Cường được đưa vào bờ an toàn sau khi được tàu cá ngư dân Hà Tĩnh phát hiện đang trôi dạt trên biển. Trưa 16-6, máy bay CASA 212 mang số hiệu 8983 (trên máy bay có 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp) tìm kiếm tiêm kích Su30-MK2 gặp nạn đột ngột mất liên lạc cách phía nam tây nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 44 hải lý. Khoảng 5g sáng 18-6, thi thể phi công Khải được đưa vào bờ sau khi được một ngư dân Nghệ An phát hiện bị cuốn trong dù. Ngày 18-6, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã công bố quyết định thăng hàm từ thượng tá lên đại tá cho phi công Khải, ghi nhận công lao của anh đối với sự nghiệp quân đội. |
Hồ Văn - Doãn Hòa - Nguyễn Khánh/tuoitre online
- Vĩnh Hưng: Tết cận kề, Chốt dân quân biên giới trang hoàng thay 'áo mới' đón tết (22/01)
- Công an tỉnh Long An đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm dịp tết (22/01)
- Giữ mùa xuân bình yên nơi biên cương (22/01)
- Tết ấm tình quân - dân (22/01)
- Gần 2.000 công dân nhận lệnh gọi nhập ngũ năm 2025 (21/01)
- Tân Hưng trao lệnh gọi công dân nhập ngũ năm 2025 (21/01)
- Đồn Biên phòng Bến Phố chăm lo tết cho người dân biên giới (21/01)
- Gạc Ma vòng tròn bất tử (21/01)