Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Chính vì vậy, việc tìm ra một giải pháp căn cơ cũng là nội dung chính tại hội thảo: "Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm An toàn," do Vụ thị trường trong nước phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 12/7, tại Hà Nội.
Số vụ vi phạm ngày càng tăng
Dẫn chứng từ thực tế, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) lo ngại khi hàng ngày người dân ở đâu đó vẫn đang phải sống, phải mua và sử dụng những sản phẩm thiếu an toàn.
Ông dẫn chứng, những vụ việc như rau chứa tồn dư thuốc trừ sâu, hoa quả ngâm hóa chất… đã và đang gây hoang mang cho người tiêu dùng, hậu quả là đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của người tiêu dùng.
Theo thống kê từ giai đoạn 2011 - 2017, tiến hành kiểm tra tại 3.858.983 cơ sở, phát hiện 778.301 cơ sở vi phạm, trong đó phạt hành chính 72.135 cơ sở với số tiền gần 190 tỉ đồng.
Cũng theo ông Tuấn, trong năm 2017, các tổng đài viên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và trả lời 3.245 cuộc gọi, trong đó có 999 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 2.240 cuộc gọi, trong đó có 987 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Đảng, Nhà nước từ lâu đã đặc biệt quan tâm và coi An toàn thực phẩm là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Ông nhấn mạnh, Nhà nước đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
"Xây để chống"
Trước những thách thức trên, giải pháp căn cơ hiện nay được đề xuất chính là "xây để chống", theo đó ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh công tác thanh kiểm tra, Nhà nước cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, cung cấp cho người tiêu dùng.
Để nhân rộng việc này, ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học quản lý hiện đại. Đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng sản phẩm, nhãn mác và lấy người tiêu dùng là trọng tâm.
Ở góc độ khác, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Để doanh nghiệp có thêm động lực, bà Nga cho biết, phía Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu về sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho doanh nghiệp thông qua hệ thống phân phối trong nước.
Tính đến hết năm 2017, đã có khoảng 1.530 cơ sở sản xuất rau, 706 cơ sở sản xuất quả theo các tiêu chuẩn sản xuất GAP, trên 11.230 cơ sở chăn nuôi đã triển khai áp dụng VietGAP và khoảng 350 cơ sở nuôi thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP.
Mô hình phát triển chuỗi thực phẩm an toàn được nhân rộng, hết tháng 4/2017 đã có 62/63 tỉnh (trừ Kon Tum) xây dựng thành công 559 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông sản an toàn.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu./.
Theo TTXVN