Bài 1: Tiếp nối hành trình
Thấu hiểu nỗi niềm đó, bằng trách nhiệm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, “những đôi chân vạn dặm” của các CBCS Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Long An đã in khắp các cánh rừng ở 3 tỉnh Svay Rieng, Battambang và Pailin (Campuchia) để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia.
Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc - Phó Chính ủy Quân khu 7, kiểm tra công tác chuẩn bị của Đội K73 trước khi lên đường làm nhiệm vụ
Vượt khó, sáng tạo
Hơn 20 năm nay, sau những ngày tết sum vầy với gia đình, nhiều thế hệ CBCS Đội K73 lại tất bật chuẩn bị cho nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. Khi mai vàng rơi cánh, các anh lên đường thực hiện hành trình thiêng liêng của mình.
Ngày lên đường đi tìm đồng đội, Ban Chỉ đạo 515, CBCS Đội K73 đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng. Tại cột mốc 211 Việt Nam - Campuchia, Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, các CBCS lên đường trong sự bịn rịn của chỉ huy, đồng đội. Những đóa hoa tươi thắm được gửi trao, thay cho lời gửi gắm rằng, chuyến đi sẽ thành công và các anh sẽ tìm gặp được nhiều mộ phần của các chú, các anh.
Ngoài phương tiện phục vụ công tác thì niềm tin và hy vọng tìm được các chú, các anh trở về với quê hương là hành trang không thể thiếu của đội trong mỗi chuyến đi. Chính vì vậy, các anh luôn cẩn thận rà soát lại tất cả thông tin liên quan đến nơi an táng các liệt sĩ do người thân và nhân chứng cung cấp. Hồ sơ quy tập cũng được thống kê, lưu trữ cẩn thận. Những vật dụng dù là nhỏ nhất cũng được các anh chuẩn bị tỉ mỉ trước khi lên đường.
Thiếu tá Lê Minh Hội - Trợ lý chính sách Đội K73, luôn trăn trở làm thế nào để lưu trữ đầy đủ, rõ ràng nhất các thông tin liệt sĩ như việc giữ gìn các di vật, kỷ vật còn lại của liệt sĩ. Mỗi lần tìm thấy hài cốt liệt sĩ, anh đều ghi chép, cập nhật đầy đủ thông tin nơi hy sinh, tọa độ tìm thấy, địa chỉ đơn vị; đồng thời, chụp ảnh lưu lại một cách cẩn thận. “Những thông tin được lưu trữ chính là cơ sở để tra cứu, đối chiếu với thông tin của thân nhân, gia đình liệt sĩ cung cấp để có phản hồi một cách chính xác nhất cho thân nhân gia đình trong việc xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ” - Thiếu tá Lê Minh Hội chia sẻ.
Phương tiện phục vụ cho chuyến đi, đặc biệt là phương tiện vận chuyển cũng được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng xe,... được các nhân viên lái xe Đội K73 rà soát cẩn thận nhằm bảo đảm cho xe luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất để giúp hành trình được thuận lợi, an toàn hơn.
Thiếu úy chuyên nghiệp Đỗ Văn Phước - nhân viên lái xe Đội K73, cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đất nước Campuchia, quãng đường cơ động xa nên chúng tôi luôn chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về độ an toàn của xe, đặc biệt là kiểm tra về độ mòn của lốp và bố thắng. Mỗi đồng chí lái xe đảm nhiệm chạy xuyên suốt quãng đường trên 600km không có thay lái nên việc bảo đảm sức khỏe và tinh thần tỉnh táo trong suốt hành trình là việc vô cùng quan trọng”.
Với phương châm “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể”, các CBCS Đội K73 luôn thể hiện tinh thần vượt khó, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Không ai ngờ rằng, những chiếc máy bơm nước dã chiến được các CBCS Đội K73 cải tiến lại từ những chiếc máy cắt cỏ. Sự cơ động của những chiếc máy bơm này sẽ giúp cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở những nơi trũng sâu, có nhiều nước được hiệu quả hơn.
Luôn có sự đồng hành, giúp đỡ
Trong suốt hành trình thiêng liêng đi tìm mộ chí các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên nước bạn, các CBCS Đội K73 đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của những người dân sở tại. Sự hỗ trợ đó cũng khẳng định rằng, dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh quân tình nguyện Việt Nam trong lòng người dân nước bạn vẫn còn lưu giữ mãi với thời gian. Chính vì vậy mà tại tỉnh Battambang, các anh đã tìm được hài cốt liệt sĩ tại vị trí trước kia là nghĩa trang chôn cất quân tình nguyện Việt Nam. Để từ đây, nhiều ngôi mộ liệt sĩ đã được các anh tìm ra, quy tập và hồi hương...
Cán bộ, chiến sĩ Đội K73 quy tập được một bộ hài cốt liệt sĩ
Trong khuôn viên đất của gia đình bà Sok Channy (ấp Phlov Meas, xã Phlov Meas, huyện Rotanak Mondol), sau khi đội hợp tác nhận được nguồn tin gia đình cung cấp có hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, Đại tá Vĩnh Chăn Thi - Đội trưởng đội hợp tác tỉnh Battambang, đã dẫn Đội K73 đến tìm kiếm, quy tập.
Vào thời điểm này, vườn nhãn của bà Sok Channy đang vào vụ thu hoạch, nếu đào tìm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của trái. Tuy nhiên, bà vẫn đồng ý để Đội K73 tiến hành đào tìm, quy tập. Quá trình mở rộng tìm kiếm, ngay trước quán cà phê của gia đình bà đang buôn bán cũng nghi ngờ có thêm hài cốt liệt sĩ.
Sau khi Đội K73 trao đổi với gia đình, bà đã tạm dừng kinh doanh để nhường chỗ cho Đội K73 phá nền tìm kiếm. Kết quả tại khu vực đất bà Sok Channy đã quy tập được 21 bộ hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam.
Là người bạn đồng hành cùng Đội K73, Đại tá Vĩnh Chăn Thi - Đội trưởng đội Hợp tác tỉnh Battambang, xúc động: “Battambang từng là một chiến trường ác liệt. Bản thân tôi đã từng sống và chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam tại mảnh đất này.
Tôi luôn cảm kích tấm lòng của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã cùng chịu đựng gian khổ để chiến đấu cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giúp nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng PolPot”.
Mìn và đạn pháo còn sót lại sau chiến tranh
Có những thuận lợi, may mắn nhưng cũng không phải không có khó khăn, trở ngại bởi có những chuyến đi, đã xác định được địa điểm, phát hiện được những dấu tích chiến tranh nhưng lại không có sơ đồ, mộ chí nên việc kiếm tìm mộ liệt sĩ trở nên khó khăn gấp bội. Có đôi khi mất gần nửa tháng ròng rã kiếm tìm rồi đành phải về tay không, nhưng cũng có những lần tìm thấy được 2-3 di hài và nhiều hơn nữa.
Những lần như vậy, mọi nỗi mệt nhọc như được xua tan bởi với các anh, dẫu có nhọc nhằn, vất vả bao nhiêu thì cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi day dứt khi đồng đội vẫn còn đâu đó ở nơi đất khách quê người.
Cách chân núi Chipang thuộc ấp Phlov Meas, xã Phlov Meas, huyện Rotanak Mondol khoảng 1,5km, sau bao ngày tìm kiếm, dưới lớp đất lạnh khô, hình hài của người lính tình nguyện đã dần hiện ra trong tấm tăng cuốn vội cùng mẩu giấy ghi tên Huỳnh Văn Coi, hy sinh ngày 29/4/1984… Mấy chục năm nằm sâu dưới lòng đất, nét chữ, màu mực như muốn nhòa theo thời gian nhưng từng đó thông tin còn sót lại cũng đã là may mắn để có thể tìm về nơi chôn nhau, cắt rốn của liệt sĩ...
Theo Thượng úy Nguyễn Hoàng Phi - Phân đội trưởng, Phân đội 3, Đội K73, trong quá trình tìm kiếm những hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn, cụ thể là địa bàn Battambang, đội đã tiến hành tìm kiếm và phát hiện dấu vết mảnh tăng bị cháy của bộ đội ta. Theo bước đầu xác định và nhận định đánh giá mẫu tăng đã bị tác động.
Trong quá trình cất bốc, Đội K73 đã cố gắng cất bốc một cách tỉ mỉ để không ảnh hưởng tới hài cốt. Sau khi hài cốt cất lên thì kiểm tra, rà soát lại nguồn thông tin còn sót lại ở dưới mặt đất. “Và rất may mắn, chúng tôi đã tìm thấy mẫu thông tin vô cùng quý giá được đựng trong một túi nhựa. Chúng tôi đã gìn giữ và trân trọng thông tin này để qua đó đánh giá và xác định được thân nhân gia đình liệt sĩ, một phần nào đó an ủi được vong linh liệt sĩ hy sinh trên nước bạn” - Thượng úy Nguyễn Hoàng Phi tâm sự./.
(còn tiếp)
Lê Đức - Biện Cường
Bài 2: Vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ