Tiếng Việt | English

19/06/2015 - 07:31

Hãy bảo vệ nhà báo trước nạn bạo hành!

Nghề báo là một nghề nguy hiểm và nhà báo luôn đứng trước nguy cơ bị bạo hành, nhất là những nhà báo chuyên viết về mảng điều tra. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một cơ chế nào cụ thể để bảo vệ, bênh vực các nhà báo. Các nhà báo trong khi tác nghiệp phải tự bảo vệ mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhà báo bị bạo hành ngày càng gia tăng và gây bức xúc trong dư luận.

Do đó để bảo vệ các nhà báo, lãnh đạo các tờ báo phải luôn ủng hộ và quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân viên mình trước pháp luật. Tuy nhiên, vẫn cần hơn nữa sự vào cuộc của các ngành chức năng và của toàn xã hội trong việc xử lý những người bạo hành nhà báo. Nếu cần thiết có thể thay đổi những điều khoản trong Luật báo chí và bộ Luật hình sự để có thể bảo vệ các nhà báo một cách tốt hơn. bên cạnh đó, để tự bảo vệ chính mình, nhà báo cần trang bị đầy đủ các kiến thức về pháp luật và tuyệt đối phải tác nghiệp trong khuôn khổ, phạm vi của pháp luật cho phép.

Việc nhà báo bị bạo hành gây bức xúc trong toàn xã hội, tuy nhiên, từ nhiều vụ việc đã xảy ra cho thấy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi xảy ra sự việc thì chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc bảo vệ, hỗ trợ các nhà báo, một số nơi lại có hành vi bao che cho các đối tượng hành hung nhà báo. Chính điều này đã tạo điều kiện để các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi sai trái của mình.

Nhà báo tác nghiệp trong khuôn khổ của pháp luật cần phải được pháp luật, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ủng hộ. bởi những nhà báo, nhất là nhà báo viết điều tra là những người luôn muốn tìm kiếm, khám phá ra sự thật, góp phần phanh phui trước dư luận những sự việc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng và thiệt hại cho người dân. Vì vậy, việc bảo vệ nhà báo trong chống tiêu cực không những là bảo vệ những người tác nghiệp mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mỗi người dân./.

Quỳnh Chi

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích