Hiện nay, tỷ lệ người hút thuốc lá trên thế giới khá cao. Điều đáng nói, phần lớn người nghiện thuốc lá đều biết rõ về những tác hại của nó đối với sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể dễ dàng từ bỏ được thói quen hút thuốc lá.
Qua 6 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (ban hành 01-5-2013), công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, hành vi hút thuốc giảm hẳn, nhận thức của mọi người về tác hại thuốc lá được nâng lên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước trên thế giới có số lượng người hút và nghiện hút thuốc lá cao. Ước tính, trung bình cứ 2 nam giới trong độ tuổi từ 15 trở lên, sẽ có 1 người hút thuốc lá,...
Theo thống kê mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do mắc các căn bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá. Việt Nam là nước có mức rủi ro về bệnh tật và tử vong do thuốc lá cao, với 40 ngàn ca tử vong hàng năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây hại cho sức khỏe con người, ảnh hưởng đến nền kinh tế, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ,...
Tại Long An, mặc dù các sở, ngành liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc vào hương ước, quy ước, quy chế thi đua khen thưởng,... Tuy vậy, việc thực hiện môi trường không khói thuốc hiện nay trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do một bộ phận người chưa ý thức hết việc bảo vệ sức khỏe cho mình và người khác; người sử dụng thuốc lá khó từ bỏ vì trong khói có chứa chất nicotine gây nghiện mạnh; lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở tại các địa điểm cấm hút thuốc lá còn mỏng;…
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5-2020, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2020 với chủ đề “Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và cả xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá thông qua các buổi họp, nói chuyện chuyên đề, hệ thống loa phát thanh cơ sở, phát tờ rơi, tờ bướm,… Qua đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp trong việc tổ chức thực hiện những quy định cấm hút thuốc cũng như góp phần giảm bệnh tật, tử vong do hút thuốc, giúp Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá xuống còn 39% vào năm 2020.
Hút thuốc lá có nhiều nguy cơ độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh cần nỗ lực triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá với nhiều giải pháp hữu hiệu. Trong đó, cố gắng duy trì, nhân rộng hiệu quả các mô hình Không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị; Khách sạn, nhà hàng không khói thuốc; Điểm du lịch không khói; Cơ sở y tế không khói thuốc; Trường học không khói thuốc; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp buôn lậu, sản xuất thuốc lá giả, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới hoặc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu;…
Phong Nhã