Tại sao gọi là vi chất dinh dưỡng?
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng, tức là bao gồm các vitamin (A, B, C, D, E…) và các vi khoáng (sắt, kẽm, đồng, selen, mangan…). Vitamin có nhiều trong rau quả và phủ tạng động vật. Các vi khoáng có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật.
Ảnh minh họa: Internet
Thiếu vitamin A, gây bệnh khô mắt. Thiếu vitamin B, gây bệnh tê phù. Thiếu vitamin D, canxi, gây bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người già. Thiếu sắt, gây bệnh thiếu máu. Thiếu I-ốt, gây bệnh bướu cổ và đần độn. Ngoài ra, có thể thiếu những vi chất khác nhưng do biểu hiện của bệnh ít rầm rộ nên khó phát hiện.
Thiếu vitamin A có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ em cần vitamin A để phát triển bình thường. Thiếu vitamin A làm cho trẻ còi cọc, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, nhất là khi bị tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp.
Vitamin A có vai trò duy trì thị giác bình thường khi ánh sáng giảm, do đó biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng thích nghi bóng tối, dân gian thường gọi là “quáng gà”. Thiếu vitamin A nặng sẽ gây khô mắt dẫn đến mù lòa.
Thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú vì nhu cầu vitamin A cao hơn người khác nhưng bữa ăn hàng ngày lại đơn điệu, thiếu dầu mỡ, thậm chí không đáp ứng đủ lượng vitamin A cần thiết.
Vitamin A có trong các thức ăn như trứng, sữa, cá, thịt, gan heo, tôm…; các loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau dền, rau diếp, xà lách…; các loại củ quả có màu vàng như gấc, cà rốt, bí đỏ và các quả chín như đu đủ, xoài, hồng, mơ…
Tại sao phải có dầu, mỡ trong bữa ăn có đủ vitamin A?
Bữa ăn hàng ngày phải có dầu hoặc mỡ thì lượng vitamin A trong thức ăn mới được cơ thể hấp thu bởi vì vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, mỡ. Bữa ăn không có dầu, mỡ là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A, mặc dù bữa ăn có sử dụng thực phẩm giàu vitamin A. Ngoài ra, dầu, mỡ còn là những thức ăn giàu năng lượng, làm cho thức ăn mềm hơn, dễ nuốt. Do vậy, việc sử dụng dầu, mỡ không những để hấp thu vitamin A mà còn bổ sung năng lượng vào bữa ăn của trẻ.
Hàng năm, trẻ được uống đầy đủ vitamin A liều cao theo chiến dịch thì có cần cho trẻ ăn các thực phẩm có vitamin A hay không?
Do bữa ăn hiện nay của trẻ chưa bảo đảm đủ lượng vitamin A cần thiết nên hàng năm trẻ được uống bổ sung vitamin A (viên nang vitamin A liều cao). Đây chỉ là liều bổ sung chứ chưa thể bảo đảm đủ hoàn toàn lượng vitamin A cho cơ thể. Mỗi liều vitamin A bổ sung chỉ có thể bảo vệ cho trẻ bình thường khỏi thiếu vitamin A trong khoảng 3-4 tháng, chưa kể nếu trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp cấp) và suy dinh dưỡng thì nhu cầu vitamin A sẽ còn cao hơn. Vì vậy, mặc dù đã được uống vitamin A theo chiến dịch, vẫn cần cho trẻ ăn các thực phẩm có vitamin A.
Cũng cần xác định rõ rằng, uống vitamin A liều cao chỉ là giải pháp bổ sung tạm thời, cơ bản vẫn là cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần làm gì?
Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, nên lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D. Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên Sắt/Axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các chế phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi./.
T.B