Từ lâu, vấn đề an toàn trên những chuyến đò ngang luôn được nhiều người quan tâm, nhất là vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, trái với sự lo lắng của nhiều người, người trong cuộc vẫn thờ ơ, xem thường tính mạng của bản thân.
Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên, tuyên truyền, vận động người đi trên những chuyến đò ngang phải mặc áo phao nhưng việc này rất ít người chấp hành. Hoặc khi có lực lượng chức năng kiểm tra, hành khách đi đò mới mặc áo phao.
Hằng năm, vào đầu năm học, các ngành chức năng thường vận động nhà tài trợ tặng cặp phao cho học sinh vùng lũ. Thế nhưng rất ít học sinh sử dụng loại cặp này đến trường. Như vậy vừa mất an toàn vừa gây lãng phí. Nhiều bậc cha mẹ lại chủ quan cho rằng, con mình biết bơi nên có thể ứng phó kịp thời khi tai nạn xảy ra. Và thực tế không ít tai nạn đuối nước ở trẻ em chính từ sự chủ quan này. Thay vì giáo dục con chấp hành luật khi đi trên đò, các bậc cha mẹ này lại vô tình đưa trẻ đến gần hơn với sự nguy hiểm.
Ngay tại TP.Tân An, 2 bến đò Chú Tiết và Diệp Mai, hằng ngày có cả hàng trăm lượt người qua lại nhưng không thấy ai chấp hành việc mặc áo phao.
Một số người cho rằng đò qua khúc sông chỉ chừng 5-10 phút nên không cần mặc áo phao. Điều đáng nói là 2 chuyến đò này thường xuyên chở học sinh của các xã vùng ven về học tại các trường ở trung tâm thành phố nhưng hầu như không em nào chấp hành việc mặc áo phao và chủ đò cũng không nhắc nhở các em.
Một thực tế khác là các chuyến đò ngang không bảo đảm đủ áo phao và dụng cụ cứu sinh cho hành khách đi trên đò. Có chuyến đến 40-50 hành khách nhưng chỉ có chừng 10 áo phao. Các áo phao này lâu ngày không được sử dụng nên cũng hư hỏng.
Thiết nghĩ, để mọi người chấp hành đúng luật bên cạnh tuyên truyền cần tăng cường xử phạt cả chủ đò và hành khách. Điều quan trọng hơn là mỗi người khi lưu thông trên các chuyến đò ngang cần tự bảo vệ tính mạng mình bằng cách chấp hành việc mặc áo phao./.
HUỆ CHI