Tiếng Việt | English

20/07/2015 - 15:00

Nỗi lo từ những chuyến đò ngang

Đã từng có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến việc đi đò do không tuân thủ những quy định về an toàn giao thông đường thủy, tuy nhiên đến nay, việc chấp hành những quy định ấy dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, mùa nước nổi,nguy hiểm lại càng rình rập những chuyến đò ngang nếu không chấp hành nghiêm quy định để bảo đảm an toàn.

 

Trên chuyến đò qua kênh 28, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, không một hành khách nào mặc áo phao
Hàng loạt bến đò vi phạm

Có mặt tại bến đò ngang qua kênh Phước Xuyên từ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng đi xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, theo quan sát của chúng tôi, bình quân mỗi lượt có tới gần chục xe môtô, xe đạp và hơn chục lượt khách qua sông, trong đó có trẻ em.

Thế nhưng, trên đò chỉ được trang bị 3 phao cứu sinh và hơn chục áo phao. Dường như đã thành thói quen, trong số hàng chục người qua đò, không một ai mặc áo phao. Số áo phao này hằng ngày vẫn được chủ đò cột chặt gần máy lái.

Theo anh Nguyễn Văn Tài, người thường xuyên đi qua bến đò ngang Vĩnh Châu B - Hòa Bình cho biết: “Trước giờ qua đò, anh cũng như nhiều người khác chưa bao giờ mặc áo phao. Có chăng chỉ là những lúc ngành chức năng đi kiểm tra, được chủ đò phát và yêu cầu mặc cho lấy lệ, xong rồi cũng thôi”.

Anh cũng cho rằng, nhiều khi chủ đò không phát áo phao nên cũng chẳng ai chú ý để mặc. "Khúc sông ngắn, không tiện mặc áo phao, với lại áo phao quá bẩn, nên không thể mặc" - anh phân trần thêm.

Hay như tại bến đò ngang tại xã Vĩnh Bình bắc qua kênh 28, huyện Vĩnh Hưng, dù được trang bị khá nhiều phao cứu sinh và áo phao cho người đi đò nhưng không một khách nào mặc và cũng chẳng thấy chủ đò nhắc nhở khách qua đò phải mặc áo phao.

Anh Đoàn Văn Nắm, chủ đò cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường nhắc khách mặc áo phao, nhưng đoạn kênh này nhỏ lại chưa từng xảy ra sự cố lần nào nên khách không chịu mặc, mặc chút lại bỏ ra bất tiện lắm. Nhắc riết cũng chẳng có ai mặc nên sau không nhắc nữa”.

Tình trạng vi phạm trên không chỉ diễn ra tại 2 bến đò trên mà còn diễn ra khá phổ biến ở các bến đò, bến khách ngang sông. Nguy hiểm hơn, nhiều bến đò nhỏ ngang sông, phương tiện vận tải đã xuống cấp nặng, đò cũ chòng chành, thiếu an toàn.

Như bến đò ngang qua kênh 79, thuộc xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, đò cũ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Chủ bến chỉ trang bị cho đò... 2 phao cứu sinh và vài áo phao đã bạc màu, bụi bẩn nhưng hầu hết đều được xếp xó, treo trên giá lâu ngày thành ra nhếch nhác, hư hỏng do không được sử dụng. Trong khi phần lớn khách qua đò ở đây là học sinh cấp 1, cấp 2.

Đò cũ, thiếu an toàn, nếu có sự cố xảy ra có bảo đảm được an toàn tính mạng cho khách qua sông?

Tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh vi phạm

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Hưng có 12 bến đò ngang đang hoạt động ở những ngã ba, ngã tư, nơi có dòng nước chảy rất nguy hiểm.


Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động tại các bến đò ngang

Tuy nhiên, các bến đò ngang này còn xem nhẹ việc bảo đảm an toàn cho khách trên đò. Số lượng phao và áo phao cứu sinh rất ít so với số lượng khách sang sông, thậm chí có những chiếc đò ngang không trang bị. Trước tình trạng này, Trung tá Huỳnh Văn Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-trật tự cơ động Công an huyện Tân Hưng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị phối hợp Đội Thanh tra giao thông số 1 tổ chức hơn 10 đợt kiểm tra các bến đò trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, hầu hết các bến đò đều có đủ các giấy phép mở bến như giấy đăng ký, đăng kiểm phương tiện, chứng chỉ chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính và nhắc nhở các chủ đò do vi phạm về quy định an toàn, như không trang bị và trang bị không đầy đủ phao, áo phao cứu sinh. Đồng thời, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các chủ phương tiện đưa khách sang sông bảo đảm các điều kiện cần thiết khi hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, nhất là vào mùa mưa như hiện nay và mùa lũ  năm 2015 sắp đổ về”.

Dù rằng cho tới thời điểm hiện tại chưa xảy ra các sự cố nghiêm trọng nào liên quan đến các phương tiện vận tải hành khách sang sông, tuy nhiên, với sự chủ quan của chủ đò và hành khách, khó bảo đảm được an toàn khi qua mỗi chuyến đò.

Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận Tải - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng trên 100 bến đò và bến khách ngang sông, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có không ít những bến khách nhỏ tại các xã vùng sâu, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý. Qua công tác kiểm tra của các Đội Thanh tra giao thông thời gian qua, hầu hết các bến đò đều chấp hành nghiêm túc các quy định về điều kiện mở bến bãi, đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bến chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn như trang bị đầy đủ phao cứu sinh và áo phao. Ngay trong tháng 7 này, chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành gồm Thanh tra giao thông phối hợp Cảng vụ đường thủy tiến hành kiểm tra rộng khắp tại các bến đò về việc chấp hành an toàn giao thông cũng như điều kiện hoạt động của các bến. Trường hợp các bến không chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh và bảo đảm an toàn giao thông, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động của bến và giao cho chính quyền địa phương giám sát”.

Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải quy định về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông có hiệu lực từ ngày 15-7-2012 thì mọi hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình. Chủ phương tiện vận tải phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Người lái chở khách ngang sông phải có trách nhiệm từ chối chuyên chở đối với những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn. Tuy nhiên, theo khảo sát tại nhiều bến đò, phà qua sông, cả chủ và khách đi đò còn xem nhẹ quy định trên.

 

Xem video nỗi lo từ những bến đò ngang:

Kiên Định-Văn Đát

Chia sẻ bài viết