Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Huỳnh Thị Kim Phượng - giáo viên Trường Tiểu học Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An vẫn giữ trọn niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và hết lòng vì học sinh (HS) thân yêu.
Từ sự tôn trọng, ngưỡng mộ thầy cô của mình, cô Phượng chọn nghề giáo viên để được dìu dắt từng thế hệ học trò cập bến bờ tri thức, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Thuở mới vào nghề, điều kiện dạy học khó khăn, lương giáo viên thấp nhưng cô không nản lòng, quyết tâm bám trường, bám lớp. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn chú trọng đổi mới phương pháp để HS hứng thú học tập.
Cô Huỳnh Thị Kim Phượng luôn quan tâm từng học sinh trong lớp
Cô Phượng chia sẻ: “Những phương pháp dạy học truyền thống không hiệu quả đã được thay thế bằng những phương pháp mới, tạo sự hứng thú học tập của HS, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay. Đó là học thông qua làm việc nhóm, thực hành,...
Nhờ vậy, HS chủ động tìm hiểu kiến thức mới và khắc sâu kiến thức hơn. Tôi còn tổ chức cho các em tham gia các trò chơi để khởi động vào tiết học, thư giãn giữa tiết hoặc trước khi kết thúc tiết học, giúp các em có tâm lý thoải mái hơn”.
Cô Phượng áp dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế của các năm học trước. Trong đó, một số sáng kiến được cô tâm đắc và thường xuyên áp dụng: “Giúp HS học tốt phân môn Tập đọc thông qua đọc hiểu”, “Một vài biện pháp giúp HS học tốt môn Toán lớp 4 ”, “Một vài biện pháp giúp HS lớp 4 học tốt phân môn Tập làm văn phần miêu tả cây cối”, “Một số biện pháp giúp HS học tốt phân môn Tập đọc”,…
Cô Phượng luôn có những giải pháp để phát huy năng lực cho HS giỏi cũng như củng cố kiến thức cho HS chậm tiến bộ. Với HS giỏi, cô cho các em làm các bài tập nâng cao, đặt các câu hỏi khó cũng như hướng dẫn các em phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Riêng HS chậm tiến bộ, cô dành 15-30 phút đầu giờ để kèm các em đọc, viết và làm toán.
“Với HS chậm tiến bộ, tôi không bắt ép các em học mà kiên nhẫn hướng dẫn để các em tiến bộ từ từ với phương châm “chậm mà chắc”. Tôi còn thường xuyên trò chuyện, gần gũi để động viên các em cố gắng hơn trong học tập; đồng thời, trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của các em trên lớp để có sự phối hợp trong hỗ trợ các em” - cô Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, cô Phượng luôn quan tâm, giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn, HS chưa ngoan. Mỗi tuần, vào tiết sinh hoạt lớp, cô nắm lại ưu điểm, nhược điểm của từng cá nhân và tập thể lớp, từ đó có những giải pháp nhằm phát huy năng lực, sở trường cũng như khắc phục hạn chế, khuyết điểm của các em. Với những HS có biểu hiện tốt hơn so với tuần trước đó, cô luôn ghi nhận và biểu dương.
Cô Phượng không ngừng học hỏi đồng nghiệp, qua tài liệu, sách báo, các nội dung bồi dưỡng thường xuyên, tham gia lớp tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy,... để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.
Với những nỗ lực của mình, cô Phượng được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2022, cô được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.
An Nhiên