Tiếng Việt | English

13/04/2017 - 18:47

Hiểm họa đuối nước từ những hầm đất không rào chắn

Hiện, trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An còn hàng chục hầm đất trước đây khai thác để xây dựng các cụm, tuyến dân cư. Các hầm đất này sau khi khai thác đất đều không được rào chắn và hoàn toàn không có biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết mà phòng tránh và từng xảy ra các vụ trẻ em đuối nước từ những hầm đất như thế.

Cụ thể, vào tháng 4/2015, tại hầm đất trên địa bàn khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng xảy ra vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng một học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tân Hưng.


Hầm đất không được rào chắn

Sự việc đau lòng này những tưởng sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho địa phương trong việc khẩn trương thiết lập các biện pháp bảo đảm an toàn tại các hầm đất, nhưng xem ra, tình trạng mất an toàn này vẫn luôn đe dọa trẻ em vùng quê.

Bà Đặng Thị Liên, sống gần khu vực hầm đất ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh cho biết: “Cái ao này sâu cả chục mét, rộng hàng ngàn mét vuông, bốn phía đều trống trơn, thỉnh thoảng buổi trưa, các em nhỏ lại kéo xuống ao tắm, thấy nguy hiểm nên tôi nhiều lần ngăn cản chúng”.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng - Mai Văn Cảm cho biết: “Trên địa bàn có đến 6 hầm đất cách nay hơn chục năm được đào lấy đất xây dựng cụm, tuyến dân cư nhưng đến nay chưa được lập rào chắn và biển cảnh báo nguy hiểm vì kinh phí địa phương còn hạn chế. Thời gian qua, xã có kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Giải pháp tạm thời là địa phương sẽ cắm biển báo nhằm cảnh báo nguy hiểm, các ngành liên quan tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ trong thời gian tới”.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng, hiện trên địa bàn huyện có 51 hầm đất, bình quân mỗi xã có 3-5 hầm với diện tích từ vài ngàn đến vài chục ngàn mét vuông mỗi hầm. Để thiết lập các biện pháp bảo đảm an toàn tại các hầm đã khai thác đất, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: Đối với các hầm đất gần khu dân cư, ngành tham mưu, đề xuất UBND huyện làm rào chắn và gắn biển báo; đối với những hầm đất xa khu dân cư, tiến hành cắm các biển cảnh báo và rà soát, đo đạc phần đất công còn lại xung quanh hầm để trồng cây xanh”.

Trẻ em đuối nước chủ yếu do không biết bơi, bên cạnh đó, người lớn cũng ít có thời gian quan tâm con em vì bận rộn với việc mưu sinh. Do thiếu quản lý nên các em tụ tập vui chơi ở những nơi không an toàn, gần kênh, ao, đầm. Hậu quả là những vụ tai nạn thương tâm tiếp diễn năm này qua năm khác. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hưng, trong 3 năm 2014, 2015 và 2016, trên địa bàn có 4 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.

Để không còn xảy ra những trường hợp trẻ bị chết đuối tại các hầm đất, thiết nghĩ, các ngành liên quan, chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc, có biện pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ nhằm phòng tránh bị đuối nước, đây là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết