Tiếng Việt | English

04/05/2021 - 16:33

Hiệu quả mô hình nuôi dê

Chưa đến 100m2 nhưng cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, đây chính là hiệu quả của mô hình nuôi dê của anh Phan Châu Linh, ngụ ấp Chợ Ông Bái, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Chưa đến 100m2 nhưng mô hình chăn nuôi dê của anh Linh đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, bình quân lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm

Chưa đến 100m2 nhưng mô hình chăn nuôi dê của anh Linh đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, bình quân lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm

Vừa rồi, chúng tôi được Đoàn xã An Lục Long, huyện Châu Thành giới thiệu đến thăm mô hình nuôi dê của anh Phan Châu Linh (Bí thư Chi đoàn ấp Chợ Ông Bái). Theo quan sát, chuồng nuôi dê được anh Linh xây dựng giữa cánh đồng thanh long.

Anh Linh cho biết: “Ngoài trồng thanh long, tôi còn nuôi dê vì dê dễ nuôi, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, sớm lấy lại vốn ban đầu, nhất là tận dụng được khoảng đất trống dưới gốc thanh long để trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Năm 2020, tôi mua 3 con dê giống Boer, trong đó 2 dê nái và 1 dê đực. Đây là giống dê tuy sinh sản chậm nhưng con đẻ ra rất chất lượng, nhanh lớn. Dê Boer sinh sản 2 lần/năm, mỗi lần từ 2 - 4 con, mỗi con trọng lượng trung bình hơn 3kg, to gấp đôi dê thường. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, dê đạt trọng lượng 25 - 30 kg, có thể xuất chuồng bán làm giống hoặc bán thịt, với giá bán dê thịt trên 100.000 đồng/kg. Hiện tại, chuồng của tôi có 20 con dê nái, bình quân cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm”.

Được biết, giống dê Boer được nhiều người đánh giá là dễ tính, ít bệnh nhưng chuồng trại phải cao ráo, sạch sẽ, tránh ẩm ướt; hàng ngày phải quét dọn vệ sinh thường xuyên, không để phân đọng trên nền chuồng, tạo môi trường trong lành mới bảo đảm được sức khỏe cho đàn dê phát triển. Theo đó, chuồng dê của anh Linh được thiết kế cao hơn mặt đất từ 60 - 80cm; đồng thời, bên dưới mặt đất anh còn sử dụng men vi sinh để xử lý phân dê tránh làm ô nhiễm môi trường và tiện cho việc thu gom phân. Đặc biệt, khi dê con mới đẻ ra, sức đề kháng yếu, dê con cần bú mẹ nhiều để bổ sung thêm sắt và vitamin. Khi dê con được 2 tháng tuổi, anh tách dê con khỏi dê mẹ. Sau đó, anh phân chia dê sinh sản và dê thương phẩm thành 2 chuồng riêng biệt để tiện cho việc chăm sóc.

Ngoài chăn nuôi dê thịt và sinh sản, anh Linh còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và thu mua dê của các bạn đoàn viên, thanh niên. Cụ thể, anh đang hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho anh Nguyễn Văn Chiêu, ngụ ấp Chợ Ông Bái. Anh Chiêu bộc bạch: “Thấy mô hình Chăn nuôi dê của anh Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao, không cần phải bỏ vốn hay công chăm sóc nhiều, tôi đến học hỏi và áp dụng trong gia đình. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi dê, góp phần cải thiện đời sống”.

Điều đáng ghi nhận ở mô hình nuôi dê của anh Linh là việc anh tận dụng được phân dê sau khi xử lý để bón cho cây thanh long, hướng đến sản xuất sạch, nâng cao giá trị nông sản. Song song đó, anh tận dụng được việc trồng cỏ dưới tán thanh long để vừa giữ ẩm cho đất trong mùa hạn, mặn và giảm được chi phí phun thuốc diệt cỏ, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Có thể thấy, mô hình nuôi dê của anh Linh đang là hướng đi mới, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Bí thư Đoàn xã An Lục Long - Ngô Nguyễn Duy Linh khẳng định: “Anh Linh là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình, luôn tích cực tham gia các phong trào đoàn do địa phương phát động và nhận được rất nhiều giấy khen, Bằng khen của các cấp bộ đoàn. Riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế gia đình, anh Linh rất tự thân, tự lập, dám nghĩ, dám làm, tiên phong thực hiện các mô hình mới như nuôi dê. Mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, dự kiến thời gian tới, Đoàn xã sẽ nhân rộng ra cho nhiều đoàn viên, thanh niên cùng tham gia”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết