Tiếng Việt | English

29/03/2016 - 09:07

Hiệu quả từ các cuộc thi

Nhiều cuộc thi do ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức không chỉ là sân chơi bổ ích, là dịp để giáo viên (GV) giao lưu học hỏi kinh nghiệm mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, tìm tòi phương pháp dạy hay, hiệu quả để áp dụng vào thực tế giảng dạy.

Trong ngành GD&ĐT có rất nhiều cuộc thi dành cho GV như: Giáo viên dạy giỏi, Sáng tạo đồ dùng dạy học, đề tài sáng kiến kinh nghiệm,... Dựa theo sở trường, mỗi GV sẽ lựa chọn “sân chơi” riêng cho mình. Dù có lựa chọn sân chơi nào, GV cũng cần có sự chuẩn bị tốt trước mỗi cuộc thi. Tăng cường nghiên cứu tài liệu, học hỏi thêm ở các đồng nghiệp, lắng nghe sự góp ý để bổ sung kiến thức, từng bước khắc phục những hạn chế và tư duy, sáng tạo,... là những điểm chung mà các GV phải thực hiện trước khi tham gia cuộc thi. 

Giáo viên cho học sinh học theo nhóm

1. Cô Cao Thị Khánh Linh - GV Trường Tiểu học Kiến Bình, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An -- một trong những GV giỏi và trưởng thành từ các cuộc thi do ngành GD&ĐT tổ chức.

Gắn bó với nghề hơn 20 năm, cô Bình luôn xác định rõ trách nhiệm của mình đối với học sinh (HS). Ngoài quan tâm, theo sát HS, cô Bình còn học hỏi, nghiên cứu chuyên môn để có thêm kinh nghiệm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp từng đối tượng HS, giúp các em ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, có thể nói, nơi rèn luyện nhiệm vụ chuyên môn, khả năng sáng tạo tốt nhất của cô Bình là tại các cuộc thi, phong trào thi đua.

Dựa trên những hạn chế của HS, cô Bình nghiên cứu và đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực. Trong đó, sáng kiến "Một vài kinh nghiệm giúp HS lớp 2 học tốt môn Toán - phần số học” đã giải quyết được một số khó khăn của HS, giúp các em tiến bộ hơn.

"Để có một giờ học Toán đạt hiệu quả cao, tôi luôn quan tâm đến việc chuẩn bị đồ dùng dạy học đầy đủ. Giáo án cũng cần được chuẩn bị kỹ. Tôi nghiên cứu kiến thức nào HS đã biết, cần khơi gợi giúp các em nhớ lại và vận dụng; kiến thức nào mới mà GV phải hướng dẫn, cung cấp cho các em trong tiết học. Trong quá trình giảng dạy, tôi tổ chức nhiều hình thức dạy học, ôn luyện để giúp HS nắm vững kiến thức cơ bản cần ghi nhớ trong chương trình Toán lớp 2. Tôi sử dụng linh hoạt các bài tập và có sự hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng HS nhằm giúp các em trung bình, yếu tự tin, không bị căng thẳng, còn các em khá, giỏi không bị nhàm chán và có điều kiện phát triển tư duy cao hơn,..." - cô Linh chia sẻ.

Trong giảng dạy, cô Linh đạt nhiều thành tích như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền, Giấy khen có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước huyện Tân Thạnh giai đoạn 2010-2015, Bằng khen của UBND tỉnh ở năm học 2012-2013 và 2014-2015.

2. Với cô Trần Kim Yến - GV Trường Mẫu giáo Long Trạch, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngoài yêu nghề, mến trẻ tạo động lực, các cuộc thi GV dạy giỏi góp phần không nhỏ giúp khơi dậy tinh thần sáng tạo của cô trong công tác giảng dạy.

Cô Trần Thị Kim Yến áp dụng kiến thức học được từ các cuộc thi vào thực tế giảng dạy

Thông qua cuộc thi GV dạy giỏi, cô Yến tìm tòi, học hỏi thêm được nhiều phương pháp hay và áp dụng vào thực tế giảng dạy tại trường. Cụ thể như: Một số phương pháp giúp trẻ tự phục vụ; tập thói quen cho trẻ từ những việc nhỏ; thường xuyên dạy kỹ năng sống và dạy mọi lúc mọi nơi,... Cô Yến cũng học hỏi từ các đồng nghiệp những phương pháp, kinh nghiệm hay... từ đó đưa vào giảng dạy.

"Khi thi GV dạy giỏi cấp huyện, tôi thi tiết thực hành tại trường khác, các cháu lạ lẫm với mình nên rất khó trong giảng dạy. Tôi phải thật kiên nhẫn, từ từ làm quen và hòa đồng cùng các cháu mới thực hiện tốt phần thi này. Qua đó, tôi cũng rèn luyện thêm cho mình tính kiên trì, biết quan sát và hiểu suy nghĩ của trẻ. Ngoài ra, tôi còn biết thêm nhiều phương pháp hay để tiếp cận trẻ của các bạn đồng nghiệp. Từ các cuộc thi, tôi có thêm nhiều kiến thức mới".

Nhờ các cuộc thi, các phong trào thi đua trong ngành GD&ĐT, các thầy cô giáo có sự tiến bộ về chuyên môn nghiệp vụ hơn. Đây cũng là môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi học hỏi bổ ích và thiết thực của GV. Khi GV giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, chất lượng đào tạo của ngành cũng được nâng lên./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết