Tiếng Việt | English

18/08/2015 - 17:32

Ho đâu chỉ do bệnh lý ở đường hô hấp

Ho là một triệu chứng của rất nhiều bệnh nhưng cả người bệnh lẫn thầy thuốc đều quan tâm đến bệnh lý của đường hô hấp. Có một nguyên nhân ngoài đường hô hấp -đó là do trào ngược dạ dày thực quản. Vậy trào ngược dạ dày thực quản là gì ?

Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease–GERD) là tình trạng thực quản trở nên viêm tấy dưới tác dụng của acid đi từ dạ dày lên.

Nguyên nhân gây bệnh:

Cho đến nay khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây góp phần gây nên hiện tượng trào ngược trở nên nặng hơn:

Sử dụng rượu, bia, thuốc lá, béo phì.

Sử dụng các thuốc như Theophylline, nitrates, kháng histamine.

Ăn nhiều mỡ, thức ăn chiên, tỏi, hành, thức ăn chua như trái cây thuộc giống cam, quít, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị, hương liệu bạc hà.

Sử dụng thức uống có caffein.

Ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc, ăn trước khi đi ngủ.

Dấu hiệu của bệnh:

Dấu hiệu thường gặp nhất là ợ nóng dai dẳng, người bệnh có cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức; thường xuất hiện ở thượng vị và lan lên cổ, thường tăng lên sau khi ăn. Ngay cả khi nằm hoặc gập người cũng có thể gây ợ nóng.

Ngoài ra, bệnh còn có thể gặp những dấu hiệu sau và cũng rất dễ nhầm với một số bệnh khác, nhất là bệnh của đường hô hấp: Ợ ra acid đắng trong khi ngủ; thấy vị đắng trong miệng; ho khan dai dẳng (nhiều trường hợp các thầy thuốc nhầm lẫn với bệnh viêm họng); khàn giọng, nhất là vào buổi sáng (có trường hợp chẩn đoán nhầm với bệnh viêm thanh quản); khó chịu trong cổ họng (như có một mẩu thức ăn nằm ở đó); thở khò khè (dễ nhầm với bệnh hen phế quản). Ở trẻ em dấu hiệu thường gặp là nôn nhiều lần, ho và những vấn đề về đường hô hấp.

Làm sao để xác định bệnh:

Việc xác định bệnh chủ yếu là dựa vào “theo dõi pH thực quản trong vòng 24 giờ” nhưng ở nước ta chưa được thực hiện kể cả ở các bệnh viện lớn. Hiện nay, để có thể chẩn đoán xác định bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản chủ yếu dựa vào nội soi dạ dày, qua việc phát hiện viêm, trợt hoặc loét thực quản ở người bệnh có biểu hiện nóng rát sau xương ức và ợ chua. 

Phòng tránh bệnh:

Để phòng tránh bệnh nên tránh dùng những thức ăn, nước uống sau:

- Rượu, bia và những đồ uống có pha rượu luôn có tác dụng hại đối với sự co giãn của cơ thắt thực quản, nó là một chiếc van ngăn dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản.

- Cà phê, trà và những đồ uống chứa cafein, cafein và tinh chất trà xanh sẽ làm tăng sự giãn cơ vòng dưới thực quản cũng như tăng sự tiết axit trong dạ dày.

- Đồ uống có ga sẽ làm trướng bụng và gây ra những tác động không tốt đối với cơ thắt dạ dày-thực quản.

- Sữa chứa nhiều chất béo, protêin và canxi, là 3 yếu tố khuyến khích sự tiết axit dạ dày.

- Gia vị và hương liệu là những chất gây kích thích và làm tăng cảm giác nóng rát dạ dày.

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo làm cho sự tiêu hóa thức ăn trở nên chậm và khó khăn hơn, khi thức ăn nằm lâu trong dạ dày sẽ làm tăng sự tiết axit dạ dày.

- Các loại quả như cam, quýt, chanh, bưởi sẽ làm tăng sự tiết dịch của dạ dày. Kể cả nước ép của các loại quả này cũng không nên uống.

- Bạc hà là một tác nhân kích thích sự giãn cơ thắt thực quản.

- Sôcôla sữa là những chất có tác dụng làm tăng độ chua của dạ dày./.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

 

Chia sẻ bài viết