Tiếng Việt | English

16/11/2023 - 08:58

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phòng trưng bày, dây chuyền sản xuất thực phẩm từ nông sản  

Ngày 15/11, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chính quyền địa phương nghiệm thu 2 đề án khuyến công sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023. Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản dự nghiệm thu.

Đại biểu tham dự nghiệm thu đề án trưng bày sản phẩm tại Công ty Cổ phần thực phẩm HG

Đề án thứ nhất là “Hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm”, doanh nghiệp thụ hưởng là Công ty Cổ phần thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, titnh Long An).

Theo đó, đề án được thực hiện từ tháng 3/2023 đến nay với tổng kinh phí 52 triệu đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 là 48,5 triệu đồng. Với chi phí này, Công ty Cổ phần thực phẩm HG mua 2 tủ trưng bày và 1 máy điều hòa nhiệt độ, nhằm phục vụ trong phòng trưng bày.

Công ty Cổ phần thực phẩm HG có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao

Công ty Cổ phần thực phẩm HG hiện đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ nông sản như thanh long, khóm, mít, chuối, xoài. Hiện, công ty có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Công ty đang thử nghiệm sapo sấy và sẽ cho ra thị trường dịp cuối năm.

Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang chia sẻ, nguồn kinh phí khuyến công giúp công ty mạnh dạn xây dựng phòng trưng bày. Phòng trưng bày sẽ trưng bày, giới thiệu tất cả sản phẩm mà công ty sản xuất nhằm giúp khách hàng, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy và hiểu rõ thông tin về sản phẩm, dịch vụ đi kèm. Qua đó, công ty thực hiện chiến lược marketing dễ dàng hơn.

Đại biểu tham qua dây chuyền sản xuất hành, tỏi phi

Đề án thứ hai là “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tiên tiến, hiện đại trong chế biến nông sản”, doanh nghiệp thụ hưởng là Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp Cô Út (phường Khánh Hậu, TP.Tân An). Theo đó, đề án được thực hiện từ tháng 3/2023 đến nay với tổng kinh phí 623 triệu đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 là 291 triệu đồng. Với chi phí này, công ty đầu tư mua dây chuyền sản xuất hành, tỏi phi nhằm hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất bánh tráng trộn.

Hành chuẩn bị để vào dầu phi

Theo đó, nguyên liệu hành, tỏi sau khi được sơ chế xong sẽ cho qua dây chuyền sản xuất từ lột vỏ, xắt lát, vắt nước, phi khô và vắt dầu. Theo Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp Cô Út - Phạm Thị Hậu, khi dây chuyền sản xuất hành, tỏi phi đưa vào vận hành sẽ giúp công ty sản xuất với công suất lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất bánh tráng trộn của công ty. Ưu điểm của máy là công nghệ tự động, tối ưu, thời gian nhanh, chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chính quyền địa phương và Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp Cô Út thực hiện thủ tục nghiệm thu đề án

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Phạm Văn Phong chia sẻ, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản luôn được Trung tâm chú trọng thực hiện. Việc hỗ trợ kinh phí khuyến công đã giúp các đơn vị chủ động thực hiện đầu tư xây dựng phòng trưng bày, mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Từ hiệu quả của các đề án khuyến công, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tỉnh, Cục Công nghiệp địa phương hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản thiết bị máy móc tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Phân Phối giá yến tinh chế DXNEST Nguyên Chất, Giá Tốt creatine cách bổ sung kẽm cho trẻ Thức ăn ướt Pate mèo Snappy Tom 400g yến sào khánh hòa Lifenest Phần mềm erp Đầu tư máy nghiền đá cần lưu ý gì