Cửa khẩu ngưng thông quan, thương lái, nông dân điêu đứng
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp với diện tích trồng lúa hàng năm khoảng 500.000ha, sản lượng đạt khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao đạt xấp xỉ 60% tổng sản lượng; khoảng 10.000ha rau các loại, sản lượng trên 200.000 tấn/năm; trên 11.800ha thanh long, sản lượng khoảng 330.000 tấn/năm; trên 11.500ha chanh, sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm; trên 2.650ha khoai mỡ, sản lượng khoảng 47.700 tấn/năm; khoảng 1.000ha khóm, sản lượng 20.800 tấn/năm;…
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 9,2 triệu con gia cầm, 120.000 con bò, 85.000 con heo. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có khoảng 8.850ha thủy sản, sản lượng 72.000 tấn/năm (trong đó, tôm nước lợ khoảng 15.000 tấn). Được biết, nhiều nông sản người dân sản xuất chỉ tiêu thụ tại địa phương khoảng 20 - 65% tùy loại, còn lại cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Riêng thanh long, chanh, mít, dưa hấu,... chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó thanh long khoảng 80% sản lượng, chanh không hạt 60% sản lượng,…
Nhiều loại nông sản được hỗ trợ kết nối tiêu thụ với các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh
Tuy nhiên, hiện nay, tất cả cửa khẩu tại các tỉnh phía Bắc tạm dừng thông quan dẫn đến hàng trăm xe container nông sản của tỉnh ùn ứ; trong khi đó, các mặt hàng nông sản để lâu sẽ bị hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí. Nguyên nhân, phía Trung Quốc có lệnh tạm dừng nhập khẩu hàng hóa để tăng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh (Trung Quốc tiếp tục kiên trì “zero Covid” và quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh,...) dẫn đến tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu biên giới, đặc biệt là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Bà Trần Thị Thanh Lan (chủ kho thanh long Thanh Châu, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết: “Hiện nay, kho của tôi có trên 20 xe container thanh long nằm tại các cửa khẩu phía Bắc nhiều ngày, trong đó có 3 xe container thanh long đang quay đầu “bán đổ, bán tháo” tại Hà Nội để mong lấy lại chi phí xăng xe. Để chuẩn bị phục vụ thị trường tết ở Trung Quốc, kho còn đặt cọc các nhà vườn trồng thanh long hơn 1 tỉ đồng. Thế nhưng, các cửa khẩu đóng cửa, chúng tôi cũng không dám thu mua, bởi mua về kho không có chỗ chứa cũng như xuất khẩu không được. Giờ đây, chúng tôi rất lo lắng, chỉ hy vọng cửa khẩu sớm được thông quan để hàng hóa được xuất đi sớm”.
Hiện nay, Châu Thành vào vụ thanh long nhưng thương lái không thu mua
Thông tin từ Hiệp hội Thanh long tỉnh, hiện nay, tỉnh có gần 300 xe container thanh long tồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, bình quân mỗi xe từ 10 - 15 tấn. Ngoài ra, Châu Thành đang bước vào vụ thu hoạch thanh long chính, ước sản lượng khoảng 20.000 tấn. Do các cửa khẩu phía Bắc tạm thời ngưng thông quan nên nhiều công ty, doanh nghiệp đã có thông báo đến các thương lái hủy bỏ các đơn hàng.
Bức xúc trước vấn đề này, bà Huỳnh Thị Bé (thương lái ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành) nói: “Kho nói hủy đơn hàng là hủy, không thông báo, không thương lượng với thương lái cũng như không hỗ trợ bất cứ điều gì; trong khi đó, tôi đã đặt cọc nhà vườn trồng thanh long mấy tỉ đồng, với giá 20.000 đồng/kg. Tôi đề nghị các cấp, các ngành vào cuộc để hỗ trợ thương lái và nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Khi thông quan bằng đường bộ không được, nhiều doanh nghiệp chủ động thông quan bằng đường thủy. Tuy nhiên, vẫn không khả quan bởi chi phí tăng, không thuê được container, quy định thông quan của Trung Quốc quá chặt chẽ. Ông Nguyễn Thanh Phương (Hội trưởng Hội Thanh long miền Nam) bộc bạch: “Khi xuất bằng đường thủy, chi phí tăng nhưng chỉ xuất được khoảng 1/3 so với công suất. Ngoài ra, thanh long trong vòng 1 tháng phải bán, nếu không xuất bán được thì chất lượng rất kém, giá thành giảm. Nhiều doanh nghiệp đang tồn ứ rất nhiều hàng trong kho; đồng thời, đặt cọc người dân nhiều. Do đó, nếu không giải quyết được tình trạng thông quan thì cả doanh nghiệp và nông dân đều điêu đứng”.
Tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản nội địa
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ: “Qua theo dõi tình hình xuất khẩu nông sản ở các tỉnh phía Bắc, nhất là từ đầu tháng 12 đến nay, rất nhiều hàng hóa nông sản bị ùn ứ. Trong khi đó, thời điểm này, nông dân đang sản xuất một lượng hàng lớn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trước tình hình trên, Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm lại số lượng nông sản đang tồn ứ và chuẩn bị thu hoạch để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đầu tiên, chúng tôi khuyến cáo các công ty, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ sản phẩm tại nội địa, bởi bây giờ các cửa khẩu đã ngừng thông quan không thể xuất khẩu được nữa”.
Dự đoán được tình hình nông sản khó tiêu thụ ở những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số giải pháp tìm thị trường tiêu thụ nội địa. Cụ thể, giữa tháng 12 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp Tổ Điều hành diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức diễn đàn kết nối giao thương giữa tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố.
Nông dân lo lắng về đầu ra cho nông sản vụ tết
Tham gia diễn đàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - Đinh Minh Hiệp cho biết, sẽ ký kết toàn diện với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An để nâng cao vị thế của ngành Nông nghiệp 2 địa phương. Đồng thời, thời gian tới, ngành Nông nghiệp TP.HCM tăng cường hơn nữa việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho ngành Nông nghiệp Long An thông qua các viện, trường nhằm năng cao giá trị gia tăng từ sản xuất nông nghiệp và tạo lập các vùng nguyên liệu tại tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cho biết thêm về nhu cầu hàng hóa, nông sản của TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo đó, nhu cầu về các loại nông sản của TP.HCM trong dịp tết sẽ tăng cao, trong khi đó ngành Nông nghiệp TP.HCM đã có sự sụt giảm về lượng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, ông hy vọng các HTX, doanh nghiệp ở Long An chia sẻ với ngành Nông nghiệp TP.HCM thông qua việc tăng cường chế biến sâu và xây dựng kho chứa để bảo quản nông sản, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho Long An cũng như TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ngoài tìm thị trường đầu ra, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tập trung hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giúp họ nắm rõ thông tin cung - cầu các bên, tránh việc sản xuất cung vượt cầu; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Để xúc tiến vấn đề tiêu thụ nông sản cho các HTX, nông dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành đang tập trung vào một số giải pháp như kết nối với các tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ nông sản cho nông dân; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản cũng như đa dạng hóa các phương thức phân phối hàng hóa. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát lại các mặt hàng nông sản chuẩn bị thu hoạch, đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch để xây dựng các phương án tiêu thụ kịp thời và hiệu quả”.
Hàng nông sản không xuất khẩu được sang Trung Quốc là điều không ai mong muốn. Thế nên, nông dân cần chia sẻ với ngành chức năng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nội địa, bởi đây là giải pháp đầu tiên góp phần giải cứu các mặt hàng nông sản đang tồn ứ. Về lâu dài, hy vọng các cấp, các ngành có giải pháp căn cơ để các cửa khẩu sớm thông quan trở lại, góp phần cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản được dễ dàng hơn. Riêng nông dân cần phải thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang sản xuất sạch để hướng đến các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản thay vì chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như trước nay./.
"Để xúc tiến vấn đề tiêu thụ nông sản cho các HTX, nông dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành đang tập trung vào một số giải pháp như kết nối với các tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ nông sản cho nông dân; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản cũng như đa dạng hóa các phương thức phân phối hàng hóa. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát lại các mặt hàng nông sản chuẩn bị thu hoạch, đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch để xây dựng các phương án tiêu thụ kịp thời và hiệu quả”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền
|
Lê Ngọc - Minh Tuệ