Tiếng Việt | English

05/11/2016 - 23:28

Hỗ trợ tự động hóa dây chuyền sản xuất chao

Bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An vừa hỗ trợ Cơ sở sản xuất chao Hưng Phát 100 triệu đồng hoàn thiện dây chuyền sản xuất.


Đại biểu tham quan, nghiệm thu máy dán màng nhôm tự động tại Cơ sở sản xuất chao Hưng Phát

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An (Trung tâm) phối hợp Cơ sở sản xuất chao Hưng Phát (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) vừa nghiệm thu và đưa vào sử dụng máy dán màng nhôm tự động trong dây chuyền sản xuất chao của cơ sở. Đề án được thực hiện từ tháng 8/2016 đến nay và là một trong những đề án khuyến công sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Tổng kinh phí của đề án là hơn 252 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng.

Được biết, Cơ sở sản xuất chao Hưng Phát theo nghề đã trên 30 năm và được thị trường tín nhiệm bởi sản phẩm đạt chất lượng tốt. Đặc biệt, trong năm 2016, sản phẩm “Chao môn Hưng Phát” được UBND tỉnh công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên cơ sở vẫn còn nhiều công đoạn sản xuất thủ công.

Nắm bắt được nhu cầu chuyển đổi công nghệ thông qua ứng dụng máy móc thiết bị, Trung tâm đã phối hợp cơ sở xây dựng đề án và hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư máy dán màng nhôm tự động (màng siu). Theo đó, sau khi sản phẩm chao hoàn thành khâu chế biến và cho vào keo sẽ đưa đến khâu đóng nắp. Màng nhôm được đặt sẵn trong nắp keo (hủ), sau khi đưa qua máy sẽ tự động dính chặt vào miệng keo. Với công nghệ hiện đại này, chao sẽ được bảo quản tốt hơn, lâu hơn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ cơ sở - Trương Văn Khanh cho biết, sản phẩm chao của cơ sở cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 100 tấn mỗi năm. Trước đây, cơ sở dán màng nhôm bằng thủ công nên tốn nhiều công lao động nhưng năng suất thấp. Khi đó, người lao động chỉ đóng được khoảng 65 đến 75 sản phẩm/giờ. Kể từ khi ứng dụng máy đóng màng nhôm, năng suất tăng lên 450 đến 500 sản phẩm/giờ. Vì vậy, cơ sở giảm được giờ công lao động, chủ động trong sản xuất và đáp ứng kịp thời sản phẩm cho thị trường.

Theo Giám đốc Trung tâm - Nguyễn Văn Bôn, thời gian qua, hoạt động khuyến công của tỉnh Long An đã có những đóng góp rất tích cực, là động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn của tỉnh. Đặc biệt, với các đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất đã khuyến khích, thu hút được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích