Vị trí, vai trò của các tổ chức bổ trợ tư pháp
Trong chủ trương CCTP thì BTTP là lĩnh vực có vị trí quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp; là hoạt động không thể thiếu trong việc bảo đảm công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần Hiến pháp.
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, hoạt động BTTP trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, giám định tư pháp có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hoạt động các cơ quan tư pháp.
Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội Công chứng viên tỉnh Long An lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2024
Trong năm 2022, hoạt động BTTP có bước phát triển đáng kể. Đoàn Luật sư tỉnh Long An hiện có 120 luật sư thành viên. Trong đó, có 34 tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) và 45 chi nhánh TCHNLS đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả, đội ngũ luật sư và các TCHNLS không ngừng tăng về số lượng, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Với chức năng thực hiện ủy nhiệm của Nhà nước, hoạt động công chứng mang nhiều ý nghĩa và tác động tích cực đến phát triển KT-XH. Trên địa bàn tỉnh có 38 tổ chức hành nghề công chứng, với 76 công chứng viên đang hành nghề. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo Hội Công chứng viên tổ chức thành công Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2024. Nhìn chung, số lượng tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên hiện nay đáp ứng nhu cầu về công chứng hợp đồng, giao dịch của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương. Trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp đấu giá tài sản và 14 đấu giá viên.
Việc triển khai, thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm tải công việc cho cơ quan tòa án các cấp; đồng thời, tạo thêm công cụ pháp lý để tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Toàn tỉnh hiện có 6 văn phòng thừa phát lại với 14 thừa phát lại đang hành nghề.
Phương hướng nâng cao chất lượng các tổ chức bổ trợ tư pháp
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động BTTP, hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện các quy định pháp luật trên lĩnh vực này. Với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp các ngành, địa phương tổ chức phổ biến sâu, rộng các văn bản pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức BTTP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh như: Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực BTTP. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức BTTP trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nêu trên, hoạt động BTTP trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi nề nếp và đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động của các tổ chức BTTP đã góp phần giảm tải công việc cho cơ quan Nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, hỗ trợ tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược CCTP.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, qua hoạt động của các tổ chức BTTP, vẫn còn một số mặt hạn chế: Năng lực, kinh nghiệm hành nghề, bản lĩnh chính trị và đạo đức của một vài cá nhân luật sư, công chứng viên, đấu giá viên có lúc chưa đáp ứng tốt yêu cầu, còn sai sót, vi phạm nên ảnh hưởng đến hiệu quả, uy tín trong hoạt động hành nghề.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực BTTP, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt những chủ trương, chỉ đạo của Đảng về CCTP, đặc biệt là những nội dung về CCTP trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động tư pháp và BTTP để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn triển khai, thực hiện đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức BTTP củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức BTTP nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này./.
Gia Hân