Trường phải kê bàn lên sát bục giảng mới đủ chỗ cho học sinh ngồi
Áp lực sĩ số học sinh
Nằm trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp, hàng năm, Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Văn Phú (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) chịu áp lực rất lớn về sĩ số HS. Năm học này, số HS tăng đột biến, áp lực càng nặng hơn. Trường hiện có 3.278 HS với 71 lớp, tăng 568 HS (11 lớp) so với năm học 2017-2018. Với số lượng HS như vậy, trường thiếu 35 phòng học. Giải quyết tình trạng này, trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và HS phải học luôn ngày thứ bảy để theo kịp chương trình. Mỗi lớp phải “gánh” số lượng lớn HS, lớp ít HS nhất cũng đến 43 em và nhiều HS nhất thì lên đến 52 em. Trường phải kê thêm bàn, ghế trong lớp học dẫn đến không còn lối đi, phòng học cũng trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Phú - Lê Hoàng Cao cho biết: “Áp lực về sĩ số là điều khó khăn nhất của trường. Nguyên nhân là do lao động từ địa phương khác đến làm việc, buôn bán nên nhu cầu gửi con tăng. Trường có khoảng 50% HS không phải là người địa phương. HS đông dẫn đến thiếu phòng học, thiếu giáo viên (GV), thiếu sân chơi cho các em”.
Sân chật, trường không thể tổ chức hoạt động tập thể dục giữa giờ cho HS mà chỉ có thể cho các em rèn luyện thể chất HS qua các tiết học thể dục, lồng ghép dạy võ cổ truyền và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí,... Trường chỉ rộng hơn 7.000m2, trong khi đó, với tổng số HS hiện có, diện tích phải hơn 32.000m2 mới đúng chuẩn. Ngoài ra, áp lực về sĩ số cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. HS quá đông, GV không thể quan tâm đến từng em. Không gian lớp chật, GV khó khăn khi di chuyển đến từng vị trí của HS. Năm học vừa qua, trường có 71 HS cần rèn luyện trong hè. Thầy Lê Hoàng Cao cho biết thêm: “Trước khó khăn trên, tôi mong các ngành, cấp trên quan tâm đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất. Bởi, sĩ số lớp năm sau sẽ tăng hơn năm trước, nhất là đối với HS lớp 1 khi áp dụng giảng dạy theo sách giáo khoa mới, phải thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày”.
Có những lớp, học sinh ngồi 3 em/bàn
1 giáo viên chủ nhiệm 2 lớp
Tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ đang diễn ra ở nhiều địa phương. Hiện toàn tỉnh thiếu 446 GV mầm non, thừa - thiếu cục bộ GV TH, THCS, THPT. Các trường học thiếu GV đa phần thuộc địa bàn có khu, cụm công nghiệp như các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc,...
Trường Mẫu giáo Phước Lợi (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) thiếu 5 GV. Do đó, trường phải hợp đồng thêm GV để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ. Hiện trường có 620 trẻ, trong đó lớp mầm (trẻ 3 tuổi) học 1 buổi/ngày, lớp chồi, lá (4, 5 tuổi) học bán trú. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lợi - Trần Thị Hồng Gương tâm sự: “Do áp lực số trẻ và thiếu GV nên trường buộc phải tổ chức dạy 1 buổi đối với lớp mầm, trong khi đó, nhiều phụ huynh mong được gửi bán trú”.
Trường TH Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) cũng chịu áp lực do thiếu GV tiếng Anh. Ngoài tăng tiết cho 2 GV tiếng Anh của trường, trường phải hợp đồng thêm GV. Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Siêu - Võ Thị Ngon chia sẻ: “Hợp đồng GV môn chuyên, trường gặp khó trong công tác quản lý và phụ thuộc vào thời gian của họ nên khó sắp xếp thời khóa biểu. Ngoài ra, GV hợp đồng cũng chưa bắt kịp về phương pháp dạy đặc thù dành cho chương trình TH và không có nhiều điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp. Những khó khăn đó cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy tiếng Anh của trường”.
Trước áp lực thiếu giáo viên, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (huyện Bến Lức) phải tăng tiết
Cùng với áp lực về sĩ số, thiếu phòng học, Trường TH Nguyễn Văn Phú (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) còn thiếu 19 GV chủ nhiệm lớp và có 1 GV nghỉ hậu sản. Do đó, 20 GV của trường đang phải “gồng mình” mỗi người chủ nhiệm 2 lớp học. Cô Đặng Thị Vân Anh - GV Trường TH Nguyễn Văn Phú, cho biết: “Hiện tôi chủ nhiệm 2 lớp: Lớp 1 và 2. Công việc tăng gấp đôi: Soạn 2 giáo án, dạy 2 buổi, đảm trách 2 lớp với vai trò chủ nhiệm, phối hợp phụ huynh 2 lớp,... Trong khi đó, lớp nào cũng hơn 45 HS. Nhiều áp lực nhưng cũng phải cố gắng hết sức để cùng san sẻ khó khăn với nhà trường”. Tuy nhiên, 1 GV không thể dạy quá 200 tiết/năm học nên 20 lớp này sẽ lần lượt thay đổi GV khi GV cũ đủ 200 tiết. Vậy là HS ở những lớp ấy phải học 4 GV/năm học.
Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Phú - Nguyễn Ngọc Đoàn nói: “Biết là sắp xếp như vậy sẽ áp lực cho GV, phụ huynh, HS của 20 lớp trên cũng bất an, lo lắng. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của nhà trường và đó là giải pháp duy nhất để tháo gỡ. Để tạo điều kiện cho GV, HS, trường bố trí GV phụ trách 2 lớp cùng cấp hoặc từng phụ trách lớp ở năm học trước để GV nắm rõ tình hình, trình độ HS”.
Có thể thấy, áp lực phần lớn ở khối mầm non, TH thuộc các địa bàn có khu, cụm công nghiệp. Mong rằng các cấp, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những trường này./.
"Các trường học cấp mầm non, tiểu học tại các địa bàn có khu, cụm công nghiệp đang chịu áp lực lớn về tăng HS, thiếu GV, thiếu cơ sở vật chất. Trong đó, thiếu GV cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các đơn vị nói riêng và toàn ngành nói chung. Ngành cũng tích cực tham mưu, đề xuất tuyển GV, đặc biệt là GV mầm non. Hiện Sở Nội vụ duyệt cho tuyển GV mầm non tại một số huyện đang có nhu cầu lớn, góp phần giúp giảm áp lực cho ngành. Ngoài ra, vấn đề thừa - thiếu GV cục bộ, ngành tiếp tục đề xuất, tham mưu tuyển GV thiếu, đồng thời vận động GV lớn tuổi ở những môn thừa GV nghỉ hưu sớm”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thị Huệ
|
Toàn tỉnh hiện có 612 trường học, trong đó, mẫu giáo, mầm non: 223 trường, tiểu học: 208 trường, THCS: 120 trường, TH, THCS&THPT: 2 trường, TH&THCS: 18 trường, THCS&THPT: 12 trường, THPT: 29 trường; 19.567 cán bộ quản lý, GV, nhân viên, trong đó có 16.442 GV. Hiện toàn tỉnh thiếu 446 GV mầm non (Đức Hòa thiếu 60 GV, Cần Đước thiếu 58 GV, Bến Lức thiếu 39 GV,...); các cấp học còn lại đang trong tình trạng thừa - thiếu cục bộ như Bến Lức thiếu 64 GV TH, Vĩnh Hưng dư 58 GV TH; Đức Hòa thiếu 17 GV THCS, Thạnh Hóa dư 47 GV THCS;...
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 332.425 HS, tăng 11.353 HS, nhưng lại giảm 53 lớp. Có thể thấy, số HS/lớp tăng cao so với năm học trước.
|
Ngọc Sương