Tiếng Việt | English

29/09/2020 - 15:40

Hội thảo tham vấn lộ trình đặt hàng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đối với tổ chức xã hội

Sáng 29/9, Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An tổ chức Hội thảo tham vấn về lộ trình thực hiện đặt hàng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đối với tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thủy trình bày về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đề xuất cung cấp thông qua hợp đồng xã hội

Tham dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - Đỗ Trung Hưng; Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) - Đỗ Hữu Thủy; Chuyên gia cao cấp tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - Asia Nguyễn.

Chuyên gia cao cấp tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam - Asia Nguyễn cho biết: “Trong những năm qua, khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ xã hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước. Vì vậy, việc chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân sẽ tạo ra sự cạnh tranh, mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong bảo đảm cung cấp dịch vụ công và vai trò này cần thể hiện rõ hơn trong đẩy mạnh quản lý cung ứng dịch vụ công bằng luật pháp, chính sách và các biện pháp mang tính hỗ trợ, kích thích”.

Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là một bản hợp đồng có tính ràng buộc giữa bên A (đại diện 1 đơn vị có tư cách pháp nhân của nhà nước) và bên B (1 đơn vị ngoài nhà nước - ở đây gọi là tổ chức xã hội). Bên A và bên B thống nhất cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được yêu cầu, với chi phí theo thỏa thuận.

Nhóm dịch vụ dự phòng gồm tiếp cận người có hành vi nguy cơ và truyền thông hoặc cấp phát tài liệu truyền thông; cấp phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, chất bôi trơn; cấp phát bơm kim tiêm sạch và thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng; điều trị nghiện bằng Methadone hoặc Buprenorphine.

Về tư vấn xét nghiệm gồm các dịch vụ như tư vấn và chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế; tư vấn và xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Về điều trị, chăm sóc HIV/AIDS gồm các dịch vụ như điều trị ARV cho người nhiễm HIV, PEP, PrEP; tư vấn và chuyển gửi người nhiễm HIV vào điều trị ARV; chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà.

Điều hành thảo luận

Tại hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận khung pháp lý, nguồn kinh phí, dự kiến bắt đầu thực hiện như thế nào, cách thức thực hiện, tình hình tổ chức cộng đồng và dịch vụ nào tại Long An có thể triển khai,...

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thủy – Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS), việc xây dựng gói dịch vụ nhằm hỗ trợ các đơn vị được giao ngân sách phòng, chống HIV/AIDS lựa chọn các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để thử nghiệm hoặc triển khai hợp đồng xã hội có hiệu quả; giúp cho việc xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai hợp đồng xã hội thống nhất trên toàn quốc.

Dự kiến, Long An sẽ đưa vào thí điểm lộ trình thực hiện đặt hàng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đối với tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước. Để thực hiện trước mắt cần xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý như quyết định ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS; quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS; thông tư ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích