Tiếng Việt | English

17/09/2020 - 13:35

Phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM

Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) gia tăng nhanh theo từng năm. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội vào tháng 6/2019, nhiễm HIV trong cộng đồng MSM chiếm 13,1%. Vì vậy, việc tăng tỷ lệ MSM tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS là vấn đề ưu tiên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.

Công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS luôn được chú trọng thực hiện

Công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS luôn được chú trọng thực hiện

Thực trạng MSM

Trước đây, nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong nhóm người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm, nhưng hiện nay, cộng đồng MSM được coi là nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS do có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không được bảo vệ, nguy hiểm nhất là qua đường hậu môn dễ bị trầy xước tạo điều kiện cho HIV xâm nhập.

Cộng đồng MSM chỉ chiếm thiểu số nhưng do xã hội còn kỳ thị nên họ cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, ít ai dám bộc lộ bản thân sống thật với giới tính của mình. Vì vậy, hầu hết họ e ngại khi đến cơ sở y tế tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, sử dụng PrEP, thuốc ARV,... nhất là các bạn sinh viên, học sinh, trong đó có nhiều trường hợp đã nhiễm HIV đang điều trị ARV tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Do đó, các trường hợp này có nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác rất cao. Em N.Đ.T. cho biết: “Do quan hệ tình dục không an toàn nên em cảm thấy cơ thể mình bất thường và đi xét nghiệm máu thì biết bị nhiễm HIV. Nhưng em rất ngại chia sẻ với gia đình, người thân và bạn bè vì sợ họ có phản ứng không tốt với mình”. Hay em N.T.P. là con một trong gia đình nên ngại tâm sự với cha mẹ khi phát hiện mình bị nhiễm HIV. Em N.T.P. chia sẻ: “Một thời gian sau, khi em tâm sự với cha mẹ thì cha mẹ rất buồn. Khi ấy, em giải thích cho cha mẹ biết bệnh này hiện đã có thuốc uống khống chế được tải lượng vi-rút nên cha mẹ an tâm hơn và nhắc nhở em uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe và không lây bệnh cho người khác”.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, đến cuối tháng 8-2020, toàn tỉnh ghi nhận 4.547 người nhiễm HIV, trong đó có 1.513 người tử vong, số bệnh nhân (BN) còn sống đang quản lý tại cộng đồng là 2.289 người. Cùng với cả nước, Long An ghi nhận số trường hợp nhiễm HIV trong cộng đồng MSM ngày càng tăng. Số BN thuộc cộng đồng MSM đang điều trị ARV đến cuối tháng 8-2020 là 420 BN, chiếm 18,5% trong tổng số BN đang điều trị ARV trong tỉnh, đáng lưu ý trong đó có 14 BN là học sinh, chiếm 3,3%.

Qua theo dõi ứng dụng hẹn hò trực tuyến với tên gọi là Blued dành cho cộng đồng MSM giao lưu, CDC tỉnh thống kê có gần 3.000 người thuộc địa bàn tỉnh  tham gia. CDC tỉnh chưa có nghiên cứu đánh giá chính thức xác định tỷ lệ nhiễm HIV thực tế trong nhóm này. Theo phân tích sơ bộ trên số khách hàng tiếp cận dịch vụ tại các cơ sở xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS trong tỉnh, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng MSM dao động từ 15-20% (khoảng 600 người nhiễm HIV).

Phó Giám đốc CDC tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết: “2 năm qua, với sự hỗ trợ của Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh triển khai các giải pháp tiếp cận, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng nhóm MSM. Đây là giải pháp thiết thực giúp tỉnh sớm đạt mục tiêu 90-90-90, góp phần chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 theo mục tiêu chiến lược quốc gia Chính phủ đã phê duyệt”.

Nhân viên y tế tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhóm cộng đồng MSM

Nhân viên y tế tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhóm cộng đồng MSM

Thông điệp K=K thay đổi nhận thức về HIV/AIDS

Trước đây, khi chưa có thông điệp K=K (không phát hiện = không lây truyền), hầu hết người nhiễm HIV dù đã điều trị ARV nhưng rất bi quan vì mục đích điều trị là kéo dài cuộc sống. Với nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện K=K là thông điệp có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi nhận thức xã hội về HIV/AIDS. Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, người có HIV nếu điều trị ARV đạt được tải lượng vi-rút dưới 200 bản sao/1ml máu gọi là không phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục; đồng thời có cuộc sống khỏe mạnh chứ không chỉ kéo dài cuộc sống như cách nghĩ trước đây.

Thời gian qua, CDC tỉnh triển khai nhiều giải pháp thực hiện mô hình tiếp cận, tìm ca nhiễm HIV để đưa vào điều trị ARV. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều trường hợp nhận thức được hiệu quả của thông điệp K=K, trong đó có em T.V.B. - học sinh lớp 11. Em T.V.B. chia sẻ: “Em phát hiện giới tính thật của mình năm 15 tuổi. Cách đây 1 năm, em bị xâm hại tình dục. Sau vài tháng, em phát hiện có dấu chấm đỏ trên tay và đi khám thì phát bị nhiễm HIV và được đưa vào điều trị ARV. Việc uống thuốc hàng ngày không chỉ giúp em khỏe mạnh gần như người bình thường mà còn bảo vệ bạn tình của mình”.

Nếu thông điệp K=K càng lan tỏa thì góp phần rất lớn trong việc chấm dứt đại dịch HIV trong tương lai. Chính vì thế, tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về MSM, tăng cường xét nghiệm HIV để tiếp cận điều trị ARV. Trong đó, ưu tiên nhóm nhạy cảm MSM trong trường học, doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, rất cần sự hưởng ứng của cả cộng đồng, nhất là cộng đồng MSM. Nhà trường, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm phối hợp trong việc giáo dục giới tính, tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền về dịch vụ xét nghiệm HIV, cách tiếp cận và điều trị khi bị nhiễm HIV.

Cả nước hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV. Tỷ lệ mắc hiện có xu hướng gia tăng, trong đó nhóm cộng đồng MSM chiếm 1,7%/100 người/năm; nghiện chích ma túy chiếm 0,4%; mại dâm chiếm 0,2%.

An Hòa

Chia sẻ bài viết