Tiếng Việt | English

10/02/2025 - 13:30

Hơn 3 thập kỷ 'thổi hồn' vào gỗ

Những khối gỗ vô tri qua đôi tay khéo léo của ông Võ Văn Út (SN 1975, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã trở thành những tác phẩm sống động, giàu tính nghệ thuật. Hơn 30 năm qua, ông cần mẫn, say mê tạo ra vô số tác phẩm, gửi vào đó câu chuyện của thời gian và con người.

Ông Võ Văn Út (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) đã hơn 30 năm gắn bó với nghề điêu khắc gỗ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, ông Út mang trong lòng tình yêu với gỗ từ rất sớm. Cùng với đam mê hội họa từ nhỏ, ông tìm kiếm con đường nghệ thuật riêng cho mình.

Một lần tình cờ đi ngang qua xưởng chạm khắc gỗ, ông bị cuốn hút bởi những hoa văn tinh xảo và âm thanh đục đẽo gỗ đều đặn vang lên từ bàn tay người thợ. Ông về nhà, trằn trọc suy nghĩ mấy đêm rồi nhờ một người bà con xin cho ông vào học nghề tại xưởng. Chính từ bước khởi đầu ấy, ông gắn bó đời mình suốt hành trình dài với nghề điêu khắc gỗ.

Sau 6 tháng học nghề, ông Út đã thuần thục các bước tạo nên một tác phẩm và bắt đầu những nét chạm đầu tiên. Khát khao sáng tác tác phẩm có dấu ấn riêng, ông làm việc ở nhiều xưởng khác nhau, cần mẫn học hỏi và chắt lọc kinh nghiệm từ những người thợ đi trước. Khi đã đủ tự tin, ông quyết định ra nghề, khắc những đam mê lên từng khối gỗ.

Với ông Út, đam mê điêu khắc là bất tận. Có những ngày, ông mải mê bên khối gỗ, quên ăn, quên ngủ, chỉ để từng đường chạm trở nên hoàn mỹ hơn.

Ông Út nói: “Mỗi nhát đục, mỗi nét khắc đều cần mang theo tâm hồn người thợ. Để những khối gỗ vô tri trở thành một tác phẩm đẹp, sáng tạo, ngoài đôi tay tài hoa còn cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tình yêu nghề mãnh liệt”.

Nếu ngày trước, mỗi tác phẩm chạm khắc đều bằng thủ công từ những chi tiết nhỏ nhất thì ngày nay, công nghệ, máy móc đã dần thay thế nhiều công đoạn để tối ưu hóa thời gian và hiệu quả.

Thế nhưng, ông Út chỉ coi máy móc là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế được sự tinh tế và tâm huyết mà người thợ gửi gắm vào từng đường nét điêu khắc.

Là Cái "hồn" của tác phẩm, sự công phu trong từng chi tiết cũng là yếu tố tạo nên nét riêng biệt, dấu ấn không thể nhầm lẫn của mỗi nghệ nhân. Với ông Út, nghề điêu khắc gỗ không chỉ là công việc mà là sự kết hợp giữa đôi tay tài hoa và một tâm hồn đầy sáng tạo.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, tạo ra vô số tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, ông Út nhận hơn 20 giải thưởng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm 2020 là dấu mốc quan trọng trong hành trình gắn bó với nghệ thuật chạm khắc gỗ khi ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Thành công này vừa là sự ghi nhận cho tài năng và công sức của ông, vừa minh chứng niềm đam mê với nghề điêu khắc gỗ.

Gắn bó cả đời với nghề, ông Út trăn trở khi nhìn nghề chạm khắc gỗ dần mai một. “Ngày càng ít người trẻ chọn theo nghề, bởi con đường này đòi hỏi quá nhiều thời gian để học hỏi và rèn luyện nên tôi lo rằng sẽ ít có người kế thừa” - ông Út bùi ngùi.

Trong không gian yên bình nơi xóm nhỏ, tiếng đục gỗ nhịp nhàng từ bàn tay ông Út vẫn vang lên đều đặn như một giai điệu lặng lẽ nhưng đầy nội lực. Hơn 3 thập kỷ qua, ông đã chứng minh rằng, nghệ thuật điêu khắc không những nằm ở kỹ thuật mà còn là cách nghệ nhân đặt cả trái tim mình vào từng tác phẩm./.

Kiều Thi

Chia sẻ bài viết