Anh Nguyễn Văn Phúc (thứ 2, trái qua) trong buổi ra mắt Câu lạc bộ Sinh vật cảnh thị trấn Hậu nghĩa. Đứng thứ 3, từ phải qua là Nghệ nhân Quốc tế Lâm Ngọc Vinh
Cha mẹ anh Phúc đều tham gia cách mạng, do hoàn cảnh nên phải chịu cảnh "người Nam, kẻ Bắc" và mất liên lạc. Anh sinh ra trong giai đoạn đất nước mới thống nhất, mẹ một mình tảo tần nuôi anh khôn lớn. Học đến lớp 7, do kinh tế khó khăn nên anh nghỉ học, bươn chải đủ nghề. Hồi nhỏ, cứ mỗi lần thấy cây nào hình dáng đẹp là anh say mê.
Có lần, anh xin mẹ theo nghề cây cảnh nhưng bà không đồng ý vì khi ấy bonsai là thú vui của những người có tiền, trong khi nhà anh lại "thiếu trước, hụt sau". Anh đành gác lại đam mê, nghe lời mẹ học nghề sửa xe gắn máy. Làm nghề không thích nhưng anh tâm niệm: “Không phải lúc nào mọi thứ cũng như ý mình, mẹ tôi muốn tốt cho con mới khuyên như vậy. Tôi thương mẹ nên nghe lời, dù sao nghề sửa xe cũng giúp tôi nuôi được vợ con, dẫu không dư dả gì nhiều”.
Năm 2015, mẹ mất, anh hụt hẫng. Một thời gian ngắn sau đó, anh có thông tin về người cha mất liên lạc gần 40 năm. Ra miền Bắc nhận cha, anh vừa mừng, vừa buồn, mừng vì tìm được cha, buồn vì mẹ không kịp chờ để thấy cha lần cuối. Gặp được cha sau ngần ấy năm như tiếp thêm niềm tin, động lực cho anh. "Giờ mẹ mất rồi, chữ hiếu tôi đã tròn, đã đến lúc tôi quay lại với đam mê thuở nhỏ" - anh Phúc kể lại. Thế là, anh vừa sửa xe, vừa nghiên cứu, tìm hiểu sâu về cây cảnh.
Có làm mới biết nghề bonsai cũng lắm vất vả, chỉ đam mê thôi là chưa đủ. Anh Phúc kể, ban đầu anh mua phôi giống về trồng, không cẩn thận làm chết cây. Đó là chưa kể những lần cắt cành, uốn nhánh không đúng kỹ thuật làm cây mất giá trị, thậm chí phải bỏ.
Tốn nhiều “học phí” nhưng ở tuổi ngoài 40, anh đủ va vấp, trải nghiệm, kiên trì, nghị lực để tiếp tục. Đó cũng là tố chất đối với những người chơi bonsai.
Bằng tinh thần cầu thị, anh tìm đến những câu lạc bộ, kết nối với người có kinh nghiệm để học hỏi, đi từng bước vững chắc. Khi nhận thấy mình đủ tiềm lực, anh mạnh dạn đập căn nhà mặt tiền, lùi chỗ ở vào sâu phía trong để lấy mặt bằng kinh doanh. Với tính cách quyết đoán, đã xác định mục tiêu là “sống chết” với nó, anh không nhận sửa xe dù có nhiều khách để tập trung cho bonsai.
Nhờ nắm được nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của người chơi nên anh kết nối với những chỗ làm chậu cảnh, tìm nguồn hàng phục vụ. Hiện tại, anh có thể cung cấp 80% vật liệu cây cảnh như chậu, phân, thuốc, kẽm uốn, kéo cắt cành,...
Nhờ làm ăn uy tín, sản phẩm chất lượng, hiểu tâm lý khách hàng nên anh được nhiều bạn bè trong và ngoài địa phương ủng hộ, kinh tế đi lên, tạo việc làm cho một số lao động.
Với tinh thần “nghệ sĩ kinh doanh”, ngoài mục tiêu kinh tế, anh còn chú trọng đến nghệ thuật cây cảnh. Anh Phúc chia sẻ: “Tôi mong muốn nơi đây trở thành điểm giao lưu, kết nối những người cùng sở thích, đam mê với nhau chứ không đơn thuần là chỗ mua bán có qua có lại. Chỉ có đoàn kết mới làm cho phong trào bonsai ở huyện Đức Hòa nói riêng và tỉnh Long An nói chung phát triển. Chúng ta có những sản phẩm chất lượng nhưng do manh mún nên thị trường ít để ý, trong khi tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre làm bonsai không đủ bán”.
Anh Nguyễn Văn Phúc (khu A, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) bên vườn bonsai
Từ những trăn trở đó, anh liên kết với Hội Nông dân thị trấn Hậu Nghĩa thành lập Chi hội Nông dân Nghề nghiệp bonsai, cây cảnh nghệ thuật với 30 thành viên. Mới đây, Câu lạc bộ Sinh vật cảnh thị trấn Hậu Nghĩa cũng ra đời để những người cùng đam mê, sở thích giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển cây bonsai. Anh cũng thường kết nối để tổ chức các cuộc đấu giá bonsai, toàn bộ kinh phí thu được dùng để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong xã hội.
Nhận thấy những việc làm của anh có ý nghĩa kinh tế, nhân văn sâu sắc, nhiều “cây đa, cây đề” trong giới bonsai cũng ủng hộ nhiệt tình như Nghệ nhân Quốc tế Lâm Ngọc Vinh, Nghệ nhân Việt Nam Lê Nguyễn Ngọc Hà,...
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hậu Nghĩa - Nguyễn Thành Dũng đánh giá anh Phúc là người tích cực, năng nổ trong các phong trào địa phương. Chỉ mới 3 năm phát triển nghề bonsai và kinh doanh vật liệu bonsai, anh đã có cơ ngơi ổn định, tạo sân chơi, kết nối những người cùng nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Từ một thợ sửa xe, đến nay anh là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
|
Tôi dạo bước tham quan triển lãm ảnh chụp và tranh vẽ chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tranh và ảnh đều thể hiện dấu ấn ông Sáu Dân trên mọi nẻo đường đất nước,...
|
Chúng tôi rời nhà anh Phúc khi những cành bonsai còn đọng lại giọt mưa. Mong rằng, với tinh thần vì cộng đồng, với nghị lực và tâm chí kiên định, những hoài bão, nguyện ước của anh sớm thành hiện thực./.
Châu Thanh