Tiếng Việt | English

08/07/2024 - 10:11

Thổi hồn vào gỗ

Điêu khắc gỗ từ lâu là một nét văn hóa trong đời sống của người Việt Nam. Những đường nét tinh tế là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật điêu khắc, khả năng sáng tạo và tình yêu của nghệ nhân. Mỗi tác phẩm điêu khắc gỗ có thể là một câu chuyện hay một thông điệp được truyền tải qua những đường nét chạm khắc tinh xảo.

Cơ sở của anh Võ Văn Hạ (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chủ yếu điêu khắc tượng Phật, Phúc Lộc Thọ, 12 con giáp, mặt bàn tứ quý,...

Niềm đam mê với điêu khắc gỗ

Từ xứ Huế thơ mộng vào miền Nam, anh Võ Văn Hạ (SN 1994, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) bắt đầu sự nghiệp từ năm 2008 khi quyết định theo học nghề điêu khắc gỗ tại TP.HCM. Sau 3 năm học nghề, anh tiếp tục đi làm thêm ở nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2019, anh chọn Tân Thạnh để lập nghiệp, mở cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ.

Anh Hạ chia sẻ: “Điêu khắc gỗ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và đam mê. Nghề này “sai một ly là đi một dặm” vì lỡ quá mạnh tay sẽ làm hư gỗ. Vì vậy, những ngày đầu đi học nghề, phải mất khoảng 6-8 tháng để quen tay và ban đầu chỉ làm những công đoạn đơn giản”. Tuy gian nan nhưng anh không bao giờ bỏ cuộc, luôn nỗ lực học hỏi, rèn luyện tay nghề, dần khẳng định được vị trí của mình trong làng điêu khắc gỗ.

Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của anh Hạ nhận từ 5 - 7 đơn hàng, nhiều hơn vào dịp tết. Giá thành sản phẩm tùy thuộc kích thước và độ phức tạp, có những sản phẩm vài triệu đồng nhưng cũng có những tác phẩm lên đến vài chục triệu đồng. Khi có người đặt hàng, anh Hạ trao đổi chi tiết để hiểu rõ ý muốn của khách hàng. Sau đó, anh phác thảo ý tưởng và vẽ cho khách xem trước. Nhờ sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, hơn 15 năm qua,  anh “thổi hồn” vào hàng trăm tác phẩm, biến những khối gỗ vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

“Cơ sở của tôi chủ yếu điêu khắc tượng Phật, Phúc Lộc Thọ, 12 con giáp, mặt bàn tứ quý,... Trong đó, điêu khắc tượng người hay con vật là khó nhất, đặc biệt là phần mắt vì đó là “cửa sổ tâm hồn”, kết nối cảm xúc giữa người nghệ nhân và người thưởng thức. Chỉ khi đôi mắt tượng long lanh, có chiều sâu và ẩn chứa cảm xúc, tác phẩm mới thực sự chạm đến trái tim người xem, trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Làm thế nào để truyền tải được cái hồn, sự sống động vào đôi mắt là điều mà mỗi nghệ nhân điêu khắc trăn trở và nỗ lực”- anh Hạ chia sẻ thêm.

Giao thoa giữa điêu khắc gỗ và thư pháp

Tại chùa Long Phước (TP. Tân An), nghệ thuật điêu khắc gỗ được Thượng tọa Thích Lệ Trí (Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáoViệt Nam tỉnh, trụ trì chùa) mang đến một hơi thở mới khi kết hợp cùng nghệ thuật thư pháp, tạo nên những vật phẩm nghệ thuật mang đậm hồn Việt. Chùa Long Phước được xây dựng từ thế kỷ 18, là một trong những ngôi chùa lâu đời trên địa bàn tỉnh. Năm 2003, Thượng tọa Thích Lệ Trí về làm trụ trì chùa, từ đó, Thượng tọa thường xuyên viết thư pháp để trang trí trong chùa và tặng cho Phật tử.

Từ nhỏ, Thượng tọa Thích Lệ Trí đã yêu thích làm văn, làm thơ. Niềm đam mê với thư pháp bắt nguồn từ việc học tiếng Hán để đọc và dịch kinh sách. Sau này, Thượng tọa Thích Lệ Trí nhận ra mình có thể viết thư pháp bằng tiếng Việt và bắt đầu thực hiện. Ban đầu, Thượng tọa Thích Lệ Trí viết thư pháp trên vải, giấy và nhiều chất liệu khác, từ năm 2018, bắt đầu thể hiện thư pháp trên chất liệu gỗ.

Niềm đam mê với thư pháp của Thượng tọa Thích Lệ Trí (trụ trì chùa Long Phước) bắt nguồn từ việc học tiếng Hán để đọc và dịch kinh sách

Thượng tọa Thích Lệ Trí bày tỏ: “Thư pháp khi được thể hiện trên những chất liệu khác nhau sẽ mang những nét đẹp riêng. Như trên giấy, từng loại giấy có độ loang mực khác nhau. Trên chất liệu gỗ có thể thể hiện bằng chữ nổi hoặc chữ chìm. Hay là chất liệu gỗ cứng cáp tạo nên sự tương phản độc đáo với nét thanh tao, mềm mại của chữ thư pháp”.

Đến nay, Thượng tọa Thích Lệ Trí đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm điêu khắc trên gỗ, gần gũi với đời sống như đồng hồ, tranh treo tường, bảng câu đối,... Những tác phẩm này được làm từ nhiều loại gỗ khác nhau, trên đó là những đường nét điêu khắc mềm mại của chữ thư pháp, hình ảnh lá bồ đề, hoa sen với các nội dung mang triết lý sống sâu sắc hay giáo lý nhà Phật. Qua những tác phẩm điêu khắc và thông điệp được gửi gắm, Thượng tọa mong muốn mang đến cho mọi người những giá trị tốt đẹp về đạo đức, lối sống, hướng thiện và sống an lạc hơn.

Một tác phẩm thư pháp trên gỗ tại chùa Long Phước

Được biết, đầu năm 2024, chùa Long Phước khánh thành trụ kinh Chuyển Pháp Luân điêu khắc bằng gỗ. “Trụ kinh được điêu khắc từ gỗ gõ đỏ, cao 4,9m. Trụ kinh có 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Pali và tiếng Anh. Quá trình thực hiện hơn 1 tháng, bắt đầu từ giai đoạn thiết kế 3D cho đến hoàn tất sản phẩm. Bản thư pháp kinh Chuyển Pháp Luân này là bản kinh đầu tiên được khắc đầy đủ và trọn vẹn lên chất liệu gỗ và đa ngôn ngữ nhằm mang giáo lý nhà Phật đến gần với bạn bè quốc tế”- Thượng tọa Thích Lệ Trí cho biết.

'Giữ lửa' nghề điêu khắc gỗ

 

'Giữ lửa' nghề điêu khắc gỗ 

Từ những phiến gỗ vô tri khi qua bàn tay khéo léo của anh Ma Đình Luật và anh Nguyễn Lam đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sống động.

Ngày nay, với sự sáng tạo và không ngừng đổi mới, nghệ thuật điêu khắc gỗ đã vươn lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của con người. Những tác phẩm điêu khắc gỗ không chỉ được sử dụng để trang trí nhà cửa, đình, chùa, đền, miếu,... mà còn trở thành những món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết