Tiếng Việt | English

27/12/2017 - 10:14

Hướng đi bền vững cho cây thanh long

Huyện Châu Thành, tỉnh Long An hiện có gần 8.000ha trồng thanh long, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch (80%). Để phát triển bền vững, huyện hướng nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cho ra sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap, tạo cơ hội thâm nhập các thị trường khó tính.

Ông Phan Kim Truyết nhận định, hệ thống tưới nước tiết kiệm có thể giúp nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công và vật tư nông nghiệp

Người dân kiên trì, nỗ lực

Tính đến nay, ông Phan Kim Truyết, ngụ ấp Song Tân, xã An Lục Long, sản xuất thanh long theo hướng GlobalGap được 7 năm. Hiện nay, thanh long của ông được Công ty Rau quả Cần Thơ bao tiêu sản phẩm. Với mức giá cố định khoảng 30.000 đồng/kg thanh long, ông Truyết có thể an tâm về đầu ra cho cây thanh long.

Nhấp ngụm nước trà, ông Truyết kể: “Tôi bắt đầu sản xuất theo hướng GlobalGap từ năm 2010, lúc đó có gần 20 hộ cũng làm như tôi. Nhưng rồi, mọi người dần bỏ cuộc vì quy trình nghiêm ngặt mà đầu ra không khác gì những hộ khác. Giờ chỉ còn tôi và 2 hộ theo đuổi. Chúng tôi được bao tiêu sản phẩm chừng 2 năm nay thôi!”. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ, ông Truyết có ý định từ bỏ hành trình sản xuất thanh long đạt chuẩn. Bởi, ông xác định, đó là hướng đi bền vững. Hiện, gia đình ông có 1.600 trụ thanh long sản xuất theo GlobalGAP và 1.200 trụ khác sản xuất theo VietGap.

Nếu trước đây, ông Truyết và 2 hộ ở xã An Lục Long “đơn độc” trên hành trình sản xuất thanh long đạt chuẩn thì đến nay, được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, một phần kinh phí,... Mới đây, gia đình ông đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho cây thanh long. Đó là một trong những ứng dụng tiên tiến được khuyến khích trong quá trình sản xuất thanh long nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, phân, thuốc, nâng cao hiệu quả
sản xuất.

Sau một lần dự tập huấn kỹ thuật do UBND xã tổ chức, được nghe về hệ thống tưới tiết kiệm, cân đối chi phí và hiệu quả, ông Truyết quyết định đầu tư. Ông Truyết nhận xét: “Bây giờ, mỗi lần bón phân, tôi mất không đến 30 phút. Nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Tôi đang làm hồ sơ để được hỗ trợ”.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông vừa vui vẻ nói về những dự định trong tương lai cho vườn thanh long của mình. Câu chuyện như vui, phấn khởi hơn khi ông tin tưởng vào chương trình xây dựng 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao mà huyện đang thực hiện. Cũng chính vì niềm tin ấy, ông là một trong những nông dân đầu tiên tham gia hợp tác xã và hầu như, không bao giờ vắng mặt trong các cuộc họp của hợp tác xã cũng như tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long.

Chính quyền quyết tâm

Tâm trạng của ông Truyết cũng là tâm trạng chung của những nông dân tại Châu Thành khi chương trình 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai một cách hiệu quả. Sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Châu Thành thể hiện rõ bằng những hành động cụ thể, quyết liệt. Từ khi thực hiện, huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương phù hợp điều kiện thực tế. Lãnh đạo huyện thường xuyên kiểm tra trực tiếp tại các xã về tiến độ thực hiện kế hoạch. Không chỉ vậy, Bí thư Huyện ủy còn đối thoại trực tiếp với nông dân về thành lập hợp tác xã sản xuất thanh long. Những cuộc đối thoại như vậy thực sự hiệu quả khi người dân được trực tiếp đặt những câu hỏi, thắc mắc, vấn đề đáng quan tâm với lãnh đạo huyện. Thắc mắc được giải đáp, người dân tin tưởng, đồng thuận và kế hoạch được thực hiện nhanh chóng. Không lâu sau cuộc đối thoại của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với người dân xã Thanh Phú Long, Hợp tác xã Thanh long của xã Thanh Phú Long được thành lập. Gắn với việc sản xuất theo quy mô hợp tác, các thành viên hợp tác xã được tập huấn, trang bị kiến thức về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiếp cận hệ thống tưới tiết kiệm, tưới thông minh. Người dân còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn thực hiện giúp tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình khẳng định: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đi đúng đắn trong nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, tăng giá trị sản xuất, tăng lợi nhuận và tạo thương hiệu cho trái thanh long. Đồng thời, giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất”./.

Châu Thành hiện có gần 8.000ha thanh long, trong đó có 2.000ha ứng dụng công nghệ cao.

Toàn huyện có 54 tổ hợp tác, 8 hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ trái thanh long với hơn 2.000 người tham gia; trong đó có 4 hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 130ha, 115 hộ tham gia. Ngoài ra, huyện đang phát triển tại 12 tổ hợp tác trên địa bàn để có 685ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap vào cuối năm 2017.

Toàn huyện có 30 mô hình tưới nước tiết kiệm được áp dụng và 130 thùng đựng vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết