Tiếng Việt | English

20/01/2023 - 17:00

Hương sắc ngày tết miền Tây

Sắc xuân đang hiện diện trên các tuyến phố. Tết về trong từng ngả đường, mái nhà. Mỗi vùng, miền có những phong tục tết khác nhau. Hương sắc ngày tết ở miền Tây cũng là một nét độc đáo trong dòng chảy văn hóa vùng sông nước.

1. Tết đến, gia đình nào cũng tất bật chuẩn bị những món ăn mang hương vị đặc trưng. “Nhớ quê nhớ tết ngọt ngào/Ơ thịt kho tàu nồi bánh tét xuân”, đó là hai món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người dân Nam bộ.

Bánh tét là món ăn không thể thiếu trong gia đình người dân miền Tây nói chung và Long An nói riêng

Cứ vào tháng Chạp, các làng nghề làm bánh tét lại nhộn nhịp hơn để kịp làm ra những đòn bánh phục vụ nhu cầu tết. Hiện diện như một nét văn hóa của miền Nam, từ thời khai hoang lập ấp, những cư dân đầu tiên của vùng đất Nam bộ nói chung và miền Tây nói riêng đã biết gói bánh tét bằng gạo lúa nổi để cúng tạ ơn trời đất, ông bà, tổ tiên. Với người dân miền Tây, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác. Ngày xuân, quây quần bên nhau cùng thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới cảm nhận hết giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết Cổ truyền của dân tộc. Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, lá dứa, vị ngọt bùi của nhân đậu, thịt là hương vị khó quên đối với mỗi người.

Những ngày này, không khí gói bánh tét ở gia đình chị Dương Thị Phương Trinh cùng chồng là anh Nguyễn Duy Khương (ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) càng thêm nhộn nhịp. Ngoài vợ chồng anh chị, còn có ba mẹ chồng, người quen, hàng xóm cùng nhau gói bánh với đủ các loại nhân: Đậu xanh, thịt mỡ, chuối,... Chị Phương Trinh chia sẻ, gia đình chị làm bánh bán quanh năm. Quê chị ở Tiền Giang, sau khi lập gia đình về Đức Hòa, anh chị nối tiếp nghề truyền thống của gia đình.

Mẹ chồng làm nghề gói bánh tét khoảng 20 năm nên chị học gói bánh tét, bánh ít để bán. Sau một thời gian, bánh của gia đình chị được nhiều người ưa chuộng nên có nhiều mối đến đặt hàng, có ngày giao hơn 1.000 cái bánh ít và 500 đòn bánh tét. Gia đình làm không xuể phải mướn thêm một vài lao động phụ gói bánh. Thu nhập sau khi trừ chi phí còn khoảng 700.000 đồng/ngày.

Năm 2017, chi hội phụ nữ nơi chị sinh hoạt thành lập mô hình Tổ dịch vụ gói bánh. Chị Phương Trinh nói: “Bánh tét không đơn thuần là một món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng trong ngày tết của người miền Tây. Những ngày cận tết, số lượng đặt bánh tét tăng nhiều, lúc này, nhà tôi đông vui như mở hội, nhờ vậy cũng có thêm thu nhập để đón tết đầm ấm, sung túc”.

Cùng với bánh tét, mứt tết là món không thể thiếu. Những ngày cuối năm, dù bận rộn nhưng các thành viên trong gia đình bà Lê Thị Ất (ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) vẫn quây quần bên nhau, chuẩn bị khuôn, nguyên liệu, tự tay sên mứt. Khoảng sân rộng trước nhà được tận dụng để phơi mứt. Được biết, gia đình bà giữ truyền thống làm mứt đã hơn 20 năm. Trong vườn, ngoài trồng thanh long, bà còn dành khoảng đất trống trồng dừa và chuối. Đầu tháng Chạp, bà chuẩn bị một ít dừa và chuối để làm mứt. Bà Ất chia sẻ, mứt dừa dễ làm nhất trong các loại, chỉ cần gọt vỏ, bào mỏng cơm dừa, luộc cho bớt béo, sau đó ngâm đường rồi sên. Nếu muốn mứt dừa màu xanh thì sên chung lá dứa, màu hồng từ trái thanh long, màu tím từ lá cẩm. Mứt dừa có mùi thơm béo, rất dễ ăn.

Chị Trương Thị Thanh Hà (con dâu bà Ất) thổ lộ: “Thông thường, mẹ chồng tôi làm mứt dừa, mứt chuối, mứt gừng,... còn tôi làm mứt cà. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp, mỗi người làm một công đoạn, rất vui. Gia đình tôi thường làm nhiều, ngoài để cúng ông bà, tổ tiên, đãi khách, còn đem biếu hàng xóm và tặng con cháu”.

2. Mỗi độ xuân về, các làng hoa nổi tiếng ở miền Tây lại rực rỡ sắc màu với những nhành mai, vạn thọ, hoa giấy, hoa cúc hay phong lan. Nằm trên dải đất trù phú giữa 2 dòng sông Tiền và Lấp Vò, làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật vào vụ hoa tết. Làng hoa hơn 100 tuổi này được biết đến là “thủ phủ” hoa của miền Tây với nhiều nhà vườn bao đời sống bằng nghề trồng hoa kiểng. Những chậu hoa được trồng trên giàn cao, bên dưới xăm xắp nước. Khi chăm bón, nông dân phải chèo xuồng len lỏi giữa những giàn hoa để tưới nước. Những chậu hoa sau đó được đem xuống ghe, chuyển lên xe, mang hương sắc mùa xuân đến khắp nơi, nhiều nhất là TP.HCM. Theo các nhà vườn, từ ngày 15 đến 23 tháng Chạp là thời điểm hoa nở đẹp nhất, chuẩn bị vận chuyển đến các chợ tết gần xa nên khung cảnh làng hoa càng nhộn nhịp.

Làng hoa Sa Đéc - “thủ phủ” hoa của miền Tây vào vụ tết

Cách TP.Sa Đéc tầm 17km, huyện Lai Vung được ví như “vương quốc quýt hồng”. Vùng đất này nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho trồng cây ăn trái nói chung, cây quýt nói riêng. Theo ông Trần Thanh Nhàn (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 15 tháng Chạp, thương lái đến vườn khảo sát, đặt mua quýt. Được giá thì chốt, sau đó, thương lái sẽ chỉ định ngày hái. Nhà vườn thu hoạch theo yêu cầu của thương lái, thường rơi vào ngày 25-29 tháng Chạp để phục vụ người dân miền Tây chưng tết.

Quýt hồng Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) sai trĩu quả

Cùng với làng hoa Sa Đéc, làng hoa Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cũng là một điểm nhấn về hoa kiểng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày giáp tết, nơi đây rực rỡ sắc màu của các loại hoa, quả như cúc mâm xôi, hà lan, vạn thọ, mai vàng, tắc,... Nhà vườn cũng tất bật thu hoạch để đưa hoa, trái đi muôn nơi, kịp phục vụ tết.

Nhà vườn ở Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) tất bật chăm sóc vụ hoa Tết Quý Mão 2023

Tết Quý Mão 2023 này là năm thứ 10 ông Huỳnh Văn Gắng (ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trồng hoa bán tết. Ông Gắng cho hay, năm nay, ông trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi, nhiều hơn năm ngoái khoảng 500 chậu với hy vọng sẽ có lãi sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Còn anh Huỳnh Văn Tuấn (ấp 2, xã Long Hòa, huyện Cần Đước), tính đến nay đã gắn bó với nghề trồng hoa hơn 20 năm. Gia đình anh chuyên trồng vạn thọ Mỹ màu vàng và cam. Hàng năm, đến ngày 23/10 Âm lịch, anh bắt đầu trồng hoa, trung bình mỗi vụ trồng khoảng 25.000 cây và 3.000 chậu. Mỗi đợt trồng hoa, anh đầu tư hơn 70 triệu đồng để mua cây giống, chậu, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công.

Hàng ngàn cây vạn thọ của gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn (ấp 2, xã Long Hòa, huyện Cần Đước) khoe sắc rực rỡ

Từ ngày 20-25 tháng Chạp là thời gian xuất bán hoa vạn thọ. Anh Tuấn thường bán cho thương lái chủ yếu đến từ TP.HCM. Trung bình 1 cặp vạn thọ bán giá 140.000 đồng và 6.000-7.000 đồng/cây lẻ. Nếu trúng mùa, thu nhập cũng khá nhưng ít ai biết những người trồng hoa như anh Tuấn sẵn sàng chấp nhận “trắng tay” khi ngày tết đã qua mà vườn hoa còn đầy, không bán hết. “Năm 2012, bán hoa không hết, tôi lỗ hơn 100 triệu đồng, phải bán 0,2ha đất trả nợ. Tuy nhiên, dù lời hay lỗ, vợ chồng tôi vẫn bám trụ với nghề không chỉ vì mưu sinh mà còn vì yêu nghề. Vợ chồng tôi rất vui khi thấy hoa do mình trồng góp phần cho mỗi gia đình đón tết thêm ý nghĩa” - anh Tuấn nói.

Trong cuộc sống hiện đại, vẫn còn những người giữ hương vị tết xưa, qua đó góp phần giữ hồn Tết Việt. Ở miền Tây, không khí, hương vị tết cũng không quá cầu kỳ, khuôn sáo mà giản đơn, phóng khoáng, ấm áp tình cảm gia đình, thấm đượm tình làng, nghĩa xóm như tính cách người dân nơi đây./.

Thanh Nga - Trần Thoa

Chia sẻ bài viết