Tiếng Việt | English

28/11/2022 - 13:00

Hướng tới nền sản xuất công nghiệp xanh, sạch, bền vững

Tỉnh Long An đang thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đồng thời, định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hiện hữu.

Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành những yếu tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp (DN). Việt Nam cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đặt ra thách thức không nhỏ cho DN, buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mới khi tham gia vào các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, đây là cơ hội quan trọng để DN quyết tâm chuyển đổi, phát triển theo hướng công nghiệp xanh, sạch, bền vững. Trong đó, phải kể đến vai trò “đầu tàu” của các KCN trong việc định hướng và phát triển theo hướng xanh hóa. Đây cũng là hướng đi tất yếu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn cho DN hoạt động trong KCN. Qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới.

Thực tế, việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển KCN xanh cũng là cơ sở để thu hút dòng vốn FDI xanh, chất lượng đến Việt Nam, chọn lọc được những dự án sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, không gây hại môi trường. Từ đó, nâng chất lượng sản xuất công nghiệp trong nước ngang bằng thế giới.

Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử là một trong những ngành tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư

KCN Long Hậu (LHC) là một trong những KCN trên địa bàn tỉnh theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Ngay từ khi quy hoạch, LHC dành 33% quỹ đất cho công trình cây xanh, giao thông, hạ tầng tiện ích xã hội phục vụ người lao động như khu lưu trú, siêu thị, nhà hàng, khu thể thao, phòng khám,... tạo môi trường sinh sống và làm việc an toàn, ổn định. Đồng thời, LHC đầu tư, đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 5.000m3/ngày, đêm; đầu tư trạm trung chuyển chất thải rắn, xử lý khí thải công nghiệp đạt hiệu suất tối ưu nhất và đạt chứng chỉ ISO 14001:2004 về quản lý môi trường. Về công tác xúc tiến đầu tư, LHC luôn ưu tiên các dự án công nghiệp sạch.

Theo Giám đốc Tiếp thị kinh doanh, Công ty Cổ phần Long Hậu - Bùi Lê Anh Hiếu, việc phát triển KCN xanh, áp dụng các loại năng lượng mới đặt ra rất nhiều thách thức cho DN. Những khó khăn gặp phải trong việc áp dụng các loại năng lượng mới: Vướng mắc, tồn tại về chính sách cũng như thủ tục đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống. Để giảm khó khăn cho DN, LHC hỗ trợ DN trong công tác tư vấn thiết kế, cấp phép đầu tư, xây dựng nhà xưởng theo mô hình công trình xanh; hỗ trợ tối đa việc thực hiện dự án phát triển năng lượng sạch.

Cụ thể, tại LHC, nhiều DN đã triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái trên các nhà xưởng, giúp chủ động nguồn năng lượng sạch cho hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành, tối đa hóa lợi ích kinh tế và tạo lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu. Một trong những DN tiêu biểu đạt chứng nhận công trình xanh tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ) tại LHC là Nhà máy May mặc Đức DBW cũng đã triển khai và sử dụng hiệu quả hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.

Mới đây, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát tại KCN Phú An Thạnh, huyện Bến Lức. Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát thứ 4 của Coca-Cola tại Việt Nam, được thiết kế và xây dựng với mục đích nâng cao năng suất, tối ưu hóa tài nguyên trong sản xuất, áp dụng mô hình nhà máy thông minh và kỹ thuật hiện đại. Với dự án này, Coca-Cola thiết kế giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, tiết kiệm điện, nước, và nguyên vật liệu thông qua việc sử dụng năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh khối thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Dự án này được phát triển thuận theo mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh; đồng thời, đóng góp vào quá trình hiện thực hóa các cam kết giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050 của Việt Nam. Theo đại diện Coca-Cola, với mục tiêu "Đổi mới thế giới và làm nên sự khác biệt", Coca-Cola đã triển khai nhiều dự án phát triển bền vững trong hành trình gần 30 năm có mặt tại Việt Nam. Nhà máy mới tại Long An là một trong những dự án trọng điểm của Coca-Cola nhằm tiếp tục khẳng định cam kết phát triển kinh tế bền vững cùng Việt Nam.

Vì mục tiêu bảo vệ môi trường

Tỉnh có tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp là 15.000ha, với 59 CCN và 37 KCN đã được phê duyệt. Hiện có 22 KCN và 22 CCN hoạt động, với tổng diện tích khoảng 4.000ha. Đa số K,CCN đều được quy hoạch tiếp nhận đa ngành nghề, bao gồm cả các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dệt, nhuộm, thuốc bảo vệ thực vật, thuộc da, sản xuất sắt thép nhôm từ phế liệu, xử lý chất thải,... Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các K,CCN hiện hữu. Đối với các dự án ngành dệt, nhuộm, giặt tẩy, sản xuất sắt thép, kim loại màu từ phế liệu khi muốn mở rộng và tăng quy mô hoạt động sản xuất thì ngoài việc phải phù hợp với quy hoạch chi tiết và phân khu chức năng của K,CCN còn phải bảo đảm đạt trình độ công nghệ sản xuất từ mức trung bình tiên tiến trở lên, máy móc, thiết bị mới 100%.

Với những thế mạnh nổi trội về vị trí địa lý, được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, với tầm nhìn chiến lược và nhất quán về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã hợp tác với nhiều tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng bản quy hoạch chiến lược. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển KT-XH vượt bậc, gắn với mục tiêu phát triển của giai đoạn 2021-2025 đưa tỉnh bứt phá để phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030, sẽ vươn lên trở thành tỉnh có nền công nghiệp, đô thị phát triển khá. Trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh kiên quyết không thu hút, tiếp nhận những dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Với hệ thống hạ tầng K,CCN được xây dựng hoàn thiện, an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu đa dạng, nghiêm ngặt của nhà đầu tư, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, thúc đẩy kinh tế thương mại; nông nghiệp sinh thái hữu cơ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích