Tiếng Việt | English

18/02/2025 - 17:33

Hương vị quê nhà trong bánh dân gian

Nhà có đám giỗ, thay vì bánh kẹo được đóng gói sẵn vừa tiết kiệm, vừa thuận tiện, má tôi bao giờ cũng cất công làm bánh dân gian như xưa. Nào bánh bò, bánh da lợn, bánh khoai mì, xôi vị rồi bánh ít, bánh ú lá tre đến bánh con sùng ngũ sắc.

Sau này, khi tuổi cao, sức kém chẳng thể dày công thì trước đám mấy ngày, má đặt làm nhiều loại bánh dân gian chứ không mua bánh quy bày bán bên ngoài.

Ảnh minh họa

Má bảo hồi xưa, mỗi lần đám giỗ, ông bà vẫn gói bánh tét để cho xóm giềng và tự làm bánh dân gian các loại để thết đãi khách. Xứ quê miếng ruộng bờ nương có gì nhiều bằng gạo nếp. Mỗi lần làm bánh là mỗi lần cực tay vì phải ngâm gạo, xay bột,…Mỗi mẻ bánh ra lò phải qua nhiều công đoạn nhưng má và các cô, các bác, các chị vẫn xắn tay vào bếp cùng chuẩn bị bởi tuy cực mà vui.

Có lẽ không một đứa trẻ miền quê Tây Nam Bộ nào không lớn lên từ những thức bánh dân gian. Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ xíu, bao giờ cũng cảm thấy háo hức mỗi lần ngóng chờ má đi chợ về vì biết trong giỏ xách thể nào cũng có bánh cam, bánh tằm khoai mì hoặc có khi là mấy cái bánh dừa, bánh ú.

Sau này, khi cuộc sống có nhiều sự lựa chọn hơn bởi đa dạng bánh kẹo nhưng thi thoảng, người ta vẫn nhớ thương thứ quà vặt dân dã ngày cũ.

Nhớ có lần cơ quan tôi tiếp đón một đoàn công tác từ phía Bắc, trong buổi trà chiều, thay vì tiếp đãi bánh quy, chúng tôi chuẩn bị sẵn và mời đoàn khách quý thưởng thức những loại bánh dân gian. Ai cũng tấm tắc khen bánh ngon và thật đặc biệt.

Sau này, một chị bạn tôi trong đoàn công tác vẫn nhắc hoài mùi vị của bánh da lợn và cứ tặc lưỡi tiếc. Chị nói phải chi bánh bảo quản được lâu thì sẽ nhờ tôi gửi ra Hà Nội thưởng thức một bữa cho thỏa lòng.

Thi thoảng khi đi xa, tôi cũng bồi hồi nhớ hương vị quê nhà qua những thức bánh dân gian. Không chỉ là món ngon trăm nhớ ngàn thương, thứ quà vặt giúp no lòng, bánh dân gian Nam Bộ bao giờ cũng là nét riêng có thể dùng để định danh vùng đất./.

Kha Nguyên

Chia sẻ bài viết