Tiếng Việt | English

06/09/2016 - 21:35

Già hóa dân số ở Việt Nam: Thách thức từ chuyện “chưa giàu đã già”

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Khi trả lời về sự khác biệt trong việc già hóa dân số giữa Việt Nam và những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã chia sẻ: “Đối với một số nước kinh tế phát triển thì họ ‘giàu rồi mới già hóa’ nhưng ở Việt Nam thì chúng ta ‘chưa giàu đã già”. Điều này đặt ra thách thức rất lớn với Việt Nam về an sinh xã hội, dịch vụ y tế… trong thời kỳ tốc độ già hóa dân số rất nhanh.”

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương “Những tác động kinh tế của già hóa” do Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế (HelpAge International) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức từ ngày 6-8/9 tại Hà Nội.

Trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ thậm chí hàng thế kỷ thì Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu như năm 2010 cứ 11 người Việt Nam lại có 1 người cao tuổi thì 15 năm nữa vào năm 2030 dự kiến 6 người Việt Nam có một người cao tuổi. Tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa cứ 4 người Việt Nam lại có 1 người cao tuổi.

“Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được vấn đề già hóa dân số nên chúng tôi đang cùng tổ chức quốc tế bàn chương trình nghị sự ở cấp lãnh đạo cao nhất để bàn về vấn đề dân số. Trong đó sẽ bàn vấn đề về quy mô, phân bố chất lượng dân số, tỷ lệ sinh thế nào, thay thế ra làm sao... Đặc biệt là làm sao để chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi từ việc đơn giản nhất như sức khỏe y tế, lương thực... và tổ chức sản xuất đưa phương thức, công nghệ sản xuất mới, phù hợp để người lao động mặc dù tuổi cao vẫn lao động với năng suất cao.” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Già hóa dân số nhanh không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, ngày càng nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình dương phải đối mặt với vấn đề này. Việc giảm sút đáng kể dân số trong độ tuổi lao động và gia tăng số người cao tuổi phụ thuộc đòi hỏi các quốc gia phải chuẩn bị một chiến lược thay đổi nhân khẩu học và chuẩn bị cho những tác động to lớn về kinh tế và xã hội.

Bà Yoriko Yasukawa, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cho rằng: Việc đưa ra những thay đổi trong các chính sách kinh tế và y tế cũng như việc thay đổi cách nhìn nhận có thể giúp các quốc gia có một trương lai tốt hơn bằng cách giảm đi những gánh nặng và tối đa hóa sự đóng góp của người cao tuổi.”

Với chủ đề “Những tác động kinh tế của già hóa”, hội thảo được tổ chức trong ba ngày sẽ tập trung vào những vấ đề chính yếu như: Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, việc làm của người cao tuổi, các nguồn thu nhập hộ gia đình và thị trường, các tác động kinh tế trong lương lai./. 

Theo Báo cáo phát triển con người khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, dự báo đến năm 2050, sẽ có khoảng 1,2 tỷ người trên 60 tuổi sống ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tương đương với 2/3 số nam giới và phụ nữ cao tuổi trên toàn thế giới.

Hồng Kiều/Vietnam+

Chia sẻ bài viết