Huy động mọi nguồn lực
Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp, bước đầu phát huy tác dụng trong quá trình phát triển công nghiệp, tạo động lực quan trọng phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Thi công Đường tỉnh 830 BOT đoạn qua huyện Bến Lức
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, với những lợi thế và tiềm năng, hiện nay, Long An phát triển chưa xứng tầm, chưa phát huy hết tiềm lực vốn có. Từ những lợi thế, tiềm năng trên, tỉnh quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thành 3 vùng.
Trong đó, vùng 3 là vùng ưu tiên cho phát triển đô thị và công nghiệp, gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP.Tân An, Tân Trụ và một phần huyện Thủ Thừa. Định hướng phát triển cho vùng này là công nghiệp, đô thị và dịch vụ logistics. Vì vậy, hệ thống hạ tầng giao thông cho vùng này đang được tập trung xây dựng, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Văn Học thông tin, để phục vụ phát triển kinh tế ở vùng 3 của tỉnh, sở phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đường tỉnh (ĐT) 830 (Đức Hòa - Tân Tập). Tuyến ĐT830 được xác định là trục đường huyết mạch, nối liền các K,CCN trong tỉnh và các khu vực giáp TP.HCM. Khi hoàn thành sẽ nối liền khu vực phát triển công nghiệp năng động với Quốc lộ 1 và khu vực Cảng quốc tế Long An theo đường Bến Lức - Tân Tập đang được đầu tư,...
Sôi động trên công trường giao thông
Những ngày này, trên công trình ĐT830, đoạn từ cầu An Thạnh (huyện Bến Lức) đến thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa) khá sôi động với khoảng 700 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật lẫn công nhân đang gấp rút thực hiện nhiệm vụ được giao.
Dự án này có 7 gói thầu; trong đó, có 3 gói làm đường và 2 gói làm cầu, các gói còn lại là trạm thu phí, chiếu sáng, an toàn giao thông.
Công nhân thi công các công đoạn để xây dựng trên Đường tỉnh 830 BOT
Cán bộ điều hành dự án thuộc Công ty (Cty) TNHH BOT ĐT830 - Dương Đức Tuyên cho hay: “Cty huy động rất nhiều trang thiết bị tiên tiến để thi công cầu, đường. Đối với 2 gói làm cầu (thuộc gói số 4 và số 5), Cty có nhiệm vụ xây mới 8 cây cầu. Để có thể thực hiện kịp tiến độ theo yêu cầu của địa phương, Cty huy động lực lượng công nhân làm cả ngày lẫn đêm đối với những công đoạn cho phép về thời tiết”.
ĐT825 đoạn từ ĐT824 đến cầu Xáng là tuyến đường kết nối nhiều K,CCN trên địa bàn huyện Đức Hòa với TP.HCM như: KCN Đức Hòa 1, CCN Nhựa Tân Đô, CCN Hải Sơn, KCN Tân Đức,... Hàng ngày, lưu lượng người và xe qua đoạn đường này khá đông. Theo phản ánh của doanh nghiệp, vào những giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên khiến họ tốn khá nhiều thời gian di chuyển.
Để giải quyết tình trạng kẹt xe và nâng cao chất lượng phục vụ hạ tầng giao thông, dự án mở rộng ĐT825 đoạn từ ĐT824 đến cầu Xáng được thiết kế với chiều dài hơn 5,1km, mặt đường bêtông nhựa nóng rộng 15m, nền rộng 17m; tổng mức đầu tư hơn 55 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Đoạn đường này được chia làm 2 gói thầu, lần lượt được khởi công vào tháng 9 và 11/2016. Hiện nay, gói thầu ở đoạn từ Km3+676 đến Km6+100, dài hơn 2,4km thi công hoàn thành toàn bộ công trình và đang hoàn thiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10/2017.
Gói thầu còn lại, đoạn từ Km0+942 đến Km3+676 (cầu Xáng đến đường Hải Sơn, Tân Đức) dài hơn 2,7km được nhà thầu thi công xong cống dọc, đang thi công đào xử lý và đắp sỏi đỏ.
Giải phóng mặt bằng vẫn còn khó
Theo Giám sát trưởng gói thầu 7b thuộc đường Tân Tập - Long Hậu (thuộc huyện Cần Giuộc) - Trần Văn Dũng: Tiến độ thực hiện công trình này hiện chậm so với thời điểm khởi công (chỉ đạt hơn 7% giá trị so với hợp đồng).
Thi công ĐT 830 trên địa bàn đi qua huyện Cần GiuộcNguyên nhân là do đơn vị thi công chưa được bàn giao hết mặt bằng để thực hiện, đến nay, vẫn còn 6 hộ tại xã Long Phụng chưa chịu mức áp giá đền bù. Nếu được bàn giao hết mặt bằng, theo kế hoạch, đến thời điểm này, nhà thầu sẽ thi công đạt hơn 27% khối lượng công trình. Với tiến độ thi công chậm như hiện nay, kế hoạch hoàn thành tuyến này vào tháng 4/2018 chắc chắn sẽ khó.
Nếu như gói thầu số 5 thuộc ĐT830 BOT có 3 cầu xây dựng mới, cả 3 được khởi công và thực hiện đúng tiến độ, thì gói thầu số 4 với 5 cầu xây dựng mới, đến nay, chỉ có 4 cầu khởi công và 1 cầu chưa thể khởi công là cầu Gia Miệng do chưa giải phóng được mặt bằng. Riêng 4 cầu đã khởi công thì có 1 cầu (Rạch Mương) chỉ tiến hành thực hiện ở mố A, mố B (từ Bến Lức - Đức Hòa) không thể khởi công vì vướng mặt bằng.
Cầu Bà Tượng (thuộc xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) nằm trong công trình ĐT830 (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực (Bến Lức) đến Cảng Long An) là một trong những công trình chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng của 6 hộ dân.
Được biết, cây cầu này được khởi công đầu tiên trong tuyến dự án ĐT830 vào tháng 7/2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2017. Thế nhưng, sau khi thi công mặt cầu thì nhà thầu tạm ngưng từ cuối tháng 4/2017 đến nay.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Học, hiện có rất nhiều công trình giao thông khi thực hiện bị vướng, không giải phóng được mặt bằng. Với những trường hợp hộ dân không đồng tình, không bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công thì những sở, ngành và địa phương liên quan phải giải quyết khó khăn bằng cách đối thoại, giải thích để người dân đồng thuận.
Cầu Bà Tượng thuộc xã Tân Trạch, huyện Cần Đước nằm trong công trình Đường tỉnh 830 (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực (Bến Lức) đến Cảng Long An) tạm ngưng thi công từ cuối tháng 4/2017 đến nay
Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành chủ trương của Nhà nước thì sở kiến nghị UBND tỉnh giao cho địa phương củng cố hồ sơ thủ tục pháp lý cần thiết và có chủ trương cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Đối với những vị trí đã giải phóng mặt bằng, sở chỉ đạo Ban Quản lý dự án làm việc với các nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch./.
Thanh Tùng