Tiếng Việt | English

01/12/2019 - 15:05

Kết nối, thu hút đầu tư nước ngoài

Là một trong những địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả khả quan nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Để hiểu rõ thêm về chiến lược xúc tiến đầu tư (XTĐT) cũng như định hướng mời gọi đầu tư nước ngoài của tỉnh trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Anh Việt dành cho phóng viên (PV) Báo Long An online cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Long An với TP.Leipzig, Cộng hòa Liên bang Đức

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Long An với TP.Leipzig, Cộng hòa Liên bang Đức

► PV: Qua XTĐT, đến nay, tỉnh kết nối, thu hút được bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Việt: Đến nay, tỉnh thiết lập quan hệ hợp tác với 8 địa phương quốc tế của các nước: Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Cộng hòa Liên bang Đức với nhiều hoạt động thiết thực được triển khai trong thời gian qua. Toàn tỉnh hiện có 11.305 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 297.403 tỉ đồng; 1.910 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 216.679 tỉ đồng; 1.009 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 6.166 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.614 triệu USD.

► PV: Chiến lược XTĐT nước ngoài của tỉnh thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Việt: Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các hoạt động XTĐT tại chỗ thông qua đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, nhất là DN FDI nhằm hỗ trợ DN FDI triển khai dự án; tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh sang thăm, làm việc, tổ chức XTĐT tại nước ngoài theo Chương trình XTĐT năm 2020 được UBND tỉnh ban hành, đồng thời tăng cường hiệu quả hợp tác thực chất sau chuyến đi.

► PV: Ông có thể cho biết các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu mời gọi đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Anh Việt: Tiếp tục phát huy tốt những lợi thế của tỉnh, thực hiện định hướng phát triển KT-XH thời gian tới, Long An tập trung mời gọi đầu tư hợp tác từ các DN FDI vào các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư. Song song đó, thu hút có chọn lọc các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào quá trình sản xuất, hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý,… Tìm kiếm cơ hội hợp tác, mời gọi đầu tư từ các nhà đầu tư, các dự án có quy mô lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đoàn Đại biểu tỉnh Long An làm việc với Nghiệp đoàn Quản lý lao động tại TP.Bungotakada, tỉnh Oita, Nhật Bản

► PV: Theo ông, tỉnh có tiềm năng và lợi thế gì trong thu hút đầu tư?

Ông Nguyễn Anh Việt: Với lợi thế là tỉnh duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp gần như trọn vẹn TP.HCM, lại có hệ thống giao thông như Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành,… kết nối thuận lợi vùng kinh tế Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An được coi là tỉnh có vị trí đắc địa nhất khu vực Tây Nam bộ. Không chỉ có lợi thế về hệ thống hạ tầng đường bộ, Long An còn có thế mạnh về giao thông thủy, gồm 2 trục chính là sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp. Đây là nơi hướng ra biển Đông với Cảng Quốc tế Long An (một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam), có khả năng tiếp nhận tàu 30.000-70.000 DWT, góp phần giảm tải cụm cảng tại TP.HCM và giảm chi phí vận chuyển cho DN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, Long An còn là tỉnh duy nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa có cảng biển, vừa có cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia, với đường biên giới dài gần 133km, gồm Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) và Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ).

Long An có quỹ đất công nghiệp dồi dào, hạ tầng hoàn chỉnh để nhà đầu tư đến triển khai dự án nhanh chóng, thuận lợi. Hiện tỉnh có 31 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch với diện tích 11.391,07ha. Trong tổng số 31 KCN, có 24 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 8.261,46ha, trong đó có 16 KCN đang hoạt động, lấp đầy đạt 85,26%, định hướng đến năm 2020, tổng diện tích là 11.391,07ha. Về cụm công nghiệp, tỉnh có 62 cụm với diện tích 3.106,5ha, trong đó có 22 cụm hoạt động, lấp đầy đạt 86,55%. Như vậy, với hơn 14.000ha đất công nghiệp được quy hoạch, bố trí giáp ranh TP.HCM trong bán kính 30-40km, Long An luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, địa điểm, hạ tầng để nhà đầu tư đến triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Môi trường đầu tư ở Long An được đánh giá thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Năm 2016, tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện, các thủ tục hành chính đều được tập trung giải quyết tại đây, việc hướng dẫn, nhận và trả kết quả hồ sơ được thực hiện tại một đầu mối duy nhất. Nhờ đó, nhà đầu tư không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện ngày càng tốt hơn. Năm 2018, theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố, Long An là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt, đứng hạng thứ 3/63 tỉnh, thành trên cả nước với 68.09 điểm, thuộc nhóm Tốt (tăng 1 bậc so với năm 2017).

Chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng DN, nhà đầu tư và cam kết  tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu để thực hiện các dự án trên địa bàn, xem thắng lợi và thành công của DN, nhà đầu tư là thắng lợi và thành công của
địa phương,…

► PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích