Tiếng Việt | English

15/08/2023 - 09:30

Kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương

Sở Công Thương tỉnh Long An và Lâm Đồng vừa kết nối, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng nhằm quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ giữa doanh nghiệp (DN) của 2 địa phương. Các sản phẩm cần được kết nối, gồm: Sâm đương quy; hạt macca; rau, củ, quả sấy; trà; cà phê; đông trùng hạ thảo; các loại bánh, mứt; tinh dầu massage; các loại nông sản sấy. Có 37 biên bản ghi nhớ hợp tác, kết nối thương mại giữa DN 2 tỉnh được ký kết.

Doanh nghiệp tỉnh Long An và Lâm Đồng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, kết nối thương mại

Lâm Đồng muốn kết nối với Long An

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh quan tâm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho hàng hóa. Tỉnh hiện có 416 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 181 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đặc biệt, tỉnh có 768 sản phẩm “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, áp dụng cho 4 sản phẩm đặc thù của địa phương, gồm: Rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản, sản phẩm qua chế biến chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất lành đến với mọi người. Tuy nhiên, các sản phẩm trên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển thương mại, chưa được kết nối rộng rãi đến các nhà phân phối, DN bán lẻ trên thị trường. Tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng buổi kết nối sản phẩm của địa phương tại Long An được DN phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Long An đồng hành, ủng hộ.

Thời điểm này, Cơ sở Sản xuất trà, cà phê, bánh Làn Hương (Văn Hương) vẫn giữ phương pháp chế biến các loại trà, cà phê, bánh theo cách truyền thống. Chủ Cơ sở Sản xuất trà, cà phê, bánh Làn Hương- Nguyễn Thị Huệ thông tin: Cơ sở giữ cách chế biến trà kết hợp ướp cùng hoa và thảo mộc để thêm đậm vị, tăng dược tính cho sản phẩm với ưu tiên hàng đầu là sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo đó, trà Làn Hương chế biến theo kiểu truyền thống bằng cách sấy bồ, ướp trà với nhiều vị thảo mộc như quế, hồi, kỷ tử,… Ngoài cách sấy bồ, cơ sở còn đầu tư nhiều trang thiết bị khác để chế biến trà như máy sấy thăng hoa, máy đóng gói tự động,… nhằm giữ trà được lâu hơn. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng phục vụ sản xuất, cơ sở liên kết chặt chẽ với nông dân trồng trà, cà phê, tạo nên một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Đến Long An quảng bá và tiếp thị sản phẩm, cơ sở mong muốn tìm kiếm được thêm đối tác là DN phân phối, bán lẻ để sản phẩm được phân phối trên thị trường Long An. Cơ sở cam kết mang đến những sản phẩm trà, cà phê chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hiện nay, các loại hạt như mắc ca, bí xanh, hạt điều, hạnh nhân,… được người tiêu dùng sử dụng nhiều vì giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe. Nắm bắt thị hiếu khách hàng, Công ty (Cty) TNHH Mắc ca Mai Thao (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chế biến sản phẩm từ trái mắc ca, bánh mix từ hạt mắc ca, bí xanh, hạt điều,… phục vụ người tiêu dùng. Giám đốc Cty TNHH Mắc ca Mai Thao - Mai Thị Dược cho biết: Hiện trái mắc ca và bánh mix các loại hạt là sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường. Sản phẩm được bán qua nhà phân phối, đại lý và sàn thương mại điện tử.

Nhà máy của Cty có công suất sản xuất 100 tấn bánh và 100 tấn hạt mắc ca mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nhà máy chỉ khai thác từ 30-40% công suất. Đến với Long An, Cty mong muốn kết nối thành công với các DN phân phối, bán lẻ bởi thương mại bán lẻ tại tỉnh Long An lớn, dân số đông và lượng khách du lịch khá tốt.

Kết nối để đa dạng hóa sản phẩm

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - Châu Thị Lệ, Long An có vị trí đặc biệt, là cửa ngỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, DN tại tỉnh Long An phát triển nhanh và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào doanh thu bán lẻ, giá trị sản xuất công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hàng hóa sản xuất của DN được đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Tại buổi kết nối sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng, Sở Công Thương cũng như DN phân phối, DN bán lẻ tại tỉnh Long An đánh giá cao sản phẩm mà DN, cơ sở sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng mang đến giới thiệu, quảng bá. Hầu hết các sản phẩm đến từ tỉnh Lâm Đồng có tính đặc trưng vùng, miền và không lẫn với sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác. Tỉnh hiện có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, kỳ vọng qua hội nghị này, sản phẩm đến từ tỉnh Lâm Đồng sẽ được kết nối với DN tại tỉnh Long An.

Tham gia buổi kết nối sản phẩm giữa tỉnh Long An và Lâm Đồng, có đại diện Điểm dừng chân Đồng Tháp. Theo ông Trần Ngô Hồng Khanh - người phụ trách Điểm dừng chân Đồng Tháp, mẫu mã các đặc sản có nguồn gốc tại tỉnh Lâm Đồng phù hợp cho khách du lịch làm quà biếu, tặng. Tại Long An, do ảnh hưởng của nền kinh tế nên đời sống người dân còn khó khăn, sức mua còn chậm, khách đến điểm dừng chân chủ yếu là người tiêu dùng, không phải du khách. Xét về giá, các mặt hàng đến từ tỉnh Lâm Đồng còn khá cao. Nếu muốn bán được sản phẩm tại tỉnh Long An, DN cần chú trọng đóng gói nhiều trọng lượng, hạ thấp giá thành bán ra.

Điểm dừng chân Đồng Tháp tọa lạc Quốc lộ 62, thuộc địa bàn xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa. Điểm dừng chân hoạt động năm 2018. Bình quân mỗi ngày, điểm dừng chân đón tiếp hơn 2.000 lượt khách từ nhiều nhà xe trên cung đường TP.HCM đi miền Tây Nam bộ. Hiện nay, ngoài bán các mặt hàng ăn uống phục vụ khách đường xa, điểm dừng chân còn có điểm bán sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh Long An và các sản phẩm đặc trưng 3 miền Bắc, Trung, Nam./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết