Tiếng Việt | English

24/06/2023 - 14:27

Khắc khoải bến quê

Có những thứ khiến tôi cứ thương nhớ mãi! Như bến sông xưa…

Lần nào về quê bằng đò dọc, khi đến bến sông tôi cũng thấy bà tôi đứng đợi, trong khi tôi chẳng bao giờ báo tin cho bà hay rằng tôi sắp sửa trở về. Mỗi lần về bến, điều đầu tiên tôi thấy chính là bờ lưng đã cong hơn và mái tóc đã bạc hơn của bà tôi, tiếp đến là những thứ hoa lấm tấm trổ trên bến sông trước nhà. Bến sông bao giờ cũng đẹp!

Ảnh minh họa: Internet

Tôi đã gắn bó với cái bến sông này từ khi còn bé xíu. Ngày nhỏ, bến sông là nơi vui nhất đối với tôi. Cái bến quê nhỏ bé có mấy cây tra bông vàng với mấy bụi lá dừa nước mọc ở mé sông đêm gió lại kêu sàn sạt trở thành nơi tụ họp của đám con nít trong xóm mỗi độ chiều buông. Ở quê có nhiều thứ làm vui, nhưng vui nhất chắc là ngồi ở bến sông nói đủ thứ chuyện trên đời, đợi nước ròng, đám con nít cởi trần nhảy xuống sông tắm mát. Tôi đã trải qua những năm tháng dài không biết bơi, mặc dù tôi đã thử mọi cách, từ việc tập bơi bằng mấy trái dừa khô bà tôi cột lại thành đôi để tôi tì ngực lên và đôi chân bì bõm đạp nước, đến tinh nghịch bắt chuồn chuồn cho cắn rốn theo lời mách bảo của bọn thằng Tí, thằng Tèo,... Nhưng tôi chẳng thể nào bơi được. Bà tôi nói, con trai sống ở miền sông nước mà lại không biết bơi, xấu hổ lắm! Tôi tự ái, chiều nào cũng ra bến sông ngồi nhìn đám con nít bơi qua lại trên sông như ếch. Một lần nọ, tôi dũng cảm lao mình xuống nước. Đám con nít sợ tôi chết đuối nên la oai oải. Tôi thấy mình ngụp sâu xuống dòng sông phù sa trước nhà, đến khi chân tôi chạm vào bùn non, tôi lấy hết sức trườn mình lên trên mặt nước. Bà tôi đứng trên bờ cổ vũ. Nhiều lần như vậy, tôi biết bơi!

Bến sông nhà tôi mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng rực rỡ sắc hoa. Khi những cây tra trên bến trổ bông vàng là lúc bầy ong từ đâu bay về hút mật, kêu vo ve từ sáng sớm đến xế chiều. Cây cà na tháng ba, tháng tư sai quả. Quả xanh lúc lỉu trên cành. Đám con nít lại được dịp ngồi dưới gốc cây vừa buôn chuyện, vừa tiện tay hái những chùm quả xanh ngon chua mát tận ruột gan chấm muối ớt ăn nhóp nhép. Bà tôi sợ đám con nít trèo cây cà na gãy nhánh, cứ nhắc hoài. Tôi không dám trèo cây, nhưng nhìn bọn chúng thoăn thoắt trên mấy nhánh cây chỉ to hơn cổ tay người lớn một chút, tôi thấy thích thích. Mùa nước nổi tràn lên bến sông, cá bạc đầu theo dòng lội lên bờ, chỉ cần đưa tay là có thể vớt được mấy con thả vào trong lọ. Dòng sông như mênh mông hơn và đôi bờ như xa cách hơn. Tôi ra bến sông chơi, bà dặn cẩn thận, kẻo hụt chân rơi xuống nước. Tôi nhìn chiếc ghe lững lờ trôi trên sông nước, nhìn cánh chim trong chiều, nhìn mây phía xa xôi báo hiệu mưa đêm rỉ rả, tự dưng lòng man mác buồn. Quê hương lúc ấy thu lại bé nhỏ chỉ bằng những cảnh vật mà tôi quan sát được từ bến sông quen...

Ở bến sông xưa, từng sớm từng chiều bà tôi ra đón đò dọc, mong đợi chú tôi về. Bà nói hồi ấy chú đi bộ đội, chú hứa sẽ sớm về, nhưng chiến tranh đã qua bao nhiêu năm rồi mà chú vẫn bặt tăm. Biết là người đi không trở lại, nhưng hôm nào bà cũng ra bến sông mà đợi, như một thói quen suốt đời. Rồi tôi cũng từ bến sông ấy mà đi xa. Bà tôi đã tiễn đưa bao nhiêu người trên bến sông xinh đẹp ấy, có người trở về, có người thì không. Tôi dặn mình dù đi đến đâu cũng không được quên cái bến sông quen thương ấy. Đó là quê hương, là ký ức tuổi thơ, là nơi gắn liền với bóng hình người bà hiền lương có tấm lòng bao dung, rộng lượng. Tôi thương bến sông xưa như thương bà. Tôi háo hức trở về bến sông để nhặt nhạnh những kỷ niệm một thời đã qua, nay chỉ còn trong tâm tưởng.

Tôi lại về thăm bến sông xưa. Bến hiền lương. Bà tôi nhân từ chống gậy ra bến sông ngóng đợi. Nhìn dáng bà tôi gầy hao trong nắng mai trong biếc, nước mắt tuôn khẽ rơi. Tôi mong sao tháng năm nào trở về, bến sông cũng có bà tôi đứng chờ một kẻ tha phương luôn đau đáu về quê hương máu thịt.../.

Rồi tôi cũng từ bến sông ấy mà đi xa. Bà tôi đã tiễn đưa bao nhiêu người trên bến sông xinh đẹp ấy, có người trở về, có người thì không. Tôi dặn mình dù đi đến đâu cũng không được quên cái bến sông quen thương ấy. Đó là quê hương, là ký ức tuổi thơ, là nơi gắn liền với bóng hình người bà hiền lương có tấm lòng bao dung, rộng lượng.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết