Trong thực hiện các phong trào thi đua, khen thưởng (TĐKT) của cơ quan, đơn vị, địa phương, nếu khen thưởng đúng người, đúng việc thì phong trào sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa trong toàn xã hội, thực sự trở thành động lực để cá nhân và tập thể nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, một số nơi chưa quan tâm đúng mức, công tác TĐKT còn mang tính hình thức, thiếu công minh, làm qua loa, dĩ hòa vi quý, chạy theo thành tích, chưa đúng thực chất; cấp dưới ít được quan tâm, đề xuất khen thưởng. Đó là chưa kể khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, không công tâm, khách quan. Để tránh tình trạng này, các cấp ủy Đảng phải thay đổi tư duy, nhận thức, người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị phải công tâm trong việc bình xét TĐKT để chọn đúng người xứng đáng được khen.
Mặt khác, phát động các phong trào TĐKT phải có tiêu chí rõ ràng, cụ thể, sát với nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Quá trình đánh giá phải phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, khách quan để mỗi cán bộ tiếp tục phấn đấu; thực hiện nghiêm túc các quy định TĐKT, chú trọng thẩm định, cân đối giữa các đối tượng nhằm tìm được nhân tố mới, điển hình để khen thưởng đúng người đúng việc, không tràn lan;...
Đẩy mạnh các phong trào TĐKT sẽ tạo động lực để từng tập thể, cá nhân nỗ lực hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, khen thưởng đúng thực chất sẽ góp phần làm cho các phong trào TĐKT ngày càng hiệu quả và tác động tích cực trong toàn hệ thống chính trị./.
Hoàn Thành