Tiếng Việt | English

30/07/2018 - 15:00

Khi “đấng mày râu” làm đầu bếp

Nấu ăn thường là thế mạnh của phụ nữ nhưng trong nhiều quán ăn, nhà hàng, không ít đầu bếp lại là nam giới.

Nấu ăn thường là thế mạnh của phụ nữ nhưng trong nhiều quán ăn, nhà hàng, không ít đầu bếp lại là nam giới

Nấu ăn thường là thế mạnh của phụ nữ nhưng trong nhiều quán ăn, nhà hàng, không ít đầu bếp lại là nam giới

1. Có mặt tại gian bếp của Đông Nam quán (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An), chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc tất bật ở đây. Tất cả đầu bếp và phụ bếp của quán đều là nam, rất nhanh nhẹn và chuyên tâm vào công việc. Anh Phan Văn Kiến - đầu bếp của Đông Nam quán, có thâm niên trên 10 năm làm nghề với đủ những buồn, vui. Theo anh, trong gia đình, phụ nữ thường là người nấu ăn, còn ở nhà hàng hoặc quán ăn, đa phần đầu bếp là nam giới, có lẽ do công việc phải chịu nhiều áp lực.

Để thực hiện ước mơ trở thành đầu bếp của mình, anh Kiến lặn lội lên TP.HCM học nghề. Công việc đầu bếp đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ nên từ khi làm nghề, anh tập tính cẩn thận, ngăn nắp. Anh chia sẻ: “Nghề đầu bếp dạy tôi biết cách tổ chức, sắp xếp công việc nên những lúc quán đông khách cũng không sợ áp lực”. Đó cũng là nhận định của anh Trương Tuấn Anh - đầu bếp nhà hàng Sakê (phường 2, TP.Tân An). Anh Tuấn Anh nói: “Đầu bếp rất cần tính cẩn thận và khả năng tính toán, sắp xếp công việc. Nếu các bước chuẩn bị tốt thì chế biến món ăn sẽ nhanh hơn”.

10 năm làm nghề đầu bếp đã rèn cho anh Tuấn Anh tính kiên nhẫn và cầu thị. Mỗi món ăn chế biến, người đầu bếp luôn hy vọng được thực khách đón nhận và khen ngợi. Tuy nhiên, những lúc nhận được phản hồi không tốt, dù buồn nhưng anh vẫn lắng nghe, rút kinh nghiệm.

2. Gian bếp thường được xem là nơi phụ nữ “làm chủ” nhưng với anh Kiến, anh Tuấn Anh, khi chọn làm đầu bếp thì không phân biệt nam hay nữ, quan trọng là làm thế nào để chế biến món ăn ngon, đẹp mắt, làm hài lòng thực khách. Học làm đầu bếp chỉ được học những công thức cơ bản, sau đó, tùy khẩu vị của khách hàng mà nêm gia vị phù hợp cũng như sáng tạo những món ăn mới. Anh Kiến nói: “Đầu bếp nam thường mạnh dạn sáng tạo hơn so với nữ nên nấu được nhiều món mới. Đó là một lợi thế của những nam đầu bếp”.

Với anh Tuấn Anh, khi chọn làm đầu bếp thì không phân biệt nam hay nữ

Chính vì vậy, ngoài thời gian đứng bếp, anh Tuấn Anh còn dành thời gian gặp gỡ bạn bè ở nhiều nơi để tìm hiểu các món ăn của nhiều vùng, miền khác nhau. Theo anh, xu hướng của thực khách ngày nay là thích những món ăn dân dã, “hương đồng gió nội” nên đầu bếp phải nắm bắt để chế biến thức ăn phù hợp.

Nghề đầu bếp ví như “làm dâu trăm họ” nhưng những đầu bếp nam vẫn chăm chút từng món ngon để làm hài lòng thực khách./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết