Khởi nghiệp từ nông nghiệp
“Đến giờ phút này, thấy con có thể trụ vững bằng nghề nông, thu nhập ổn định hàng ngày trên chính mảnh đất quê hương, tôi rất vui và rất tự hào về con!”. Đó là lời bộc bạch của ông Lương Văn Anh (ấp 5, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) về cậu con trai út - Lương Văn Tỵ, một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp ở huyện Đức Huệ.
Lương Văn Tỵ và vườn ổi
Với vóc dáng thư sinh, nụ cười tươi, nói chuyện cởi mở, lần đầu gặp mặt, ít ai nghĩ chàng trai này lại là nông dân chính hiệu. Sinh năm 1989, Tỵ học hết lớp 12 rồi theo học Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa. Có lúc, Tỵ muốn rời khỏi vùng quê nghèo khó, đi xuất khẩu lao động để thay đổi cuộc sống, thế nhưng, suy đi, nghĩ lại, Tỵ lại không nỡ xa rời nơi chôn nhau, cắt rốn nên quyết khởi nghiệp bằng nghề nông ngay trên mảnh đất quê mình.
Cha mẹ Tỵ có 7ha đất trồng lúa, tràm và vườn cây tạp nhưng thu nhập bấp bênh. Suy nghĩ trồng cây gì, vật nuôi nào để có thu nhập ổn định,... luôn thôi thúc Tỵ. Năm 2014, thông qua Internet, Tỵ biết ở Thái Lan có giống ổi rất ngon với đặc tính vượt trội là ruột nhỏ, hạt ít và giòn, ngọt.
Vậy là Tỵ nhờ bạn bè ở Thái Lan mua giùm 2.000 nhánh cây giống về trồng trên diện tích 7.000m2 đất trước nhà.
Tỵ nói: “Năm 2014, mỗi nhánh ổi giống mua từ Thái Lan có giá 50.000 đồng. Trồng ổi thì dễ nhưng để có năng suất cao, chất lượng tốt, đầu ra ổn định,... là điều tôi luôn trăn trở. Ngoài học tập từ sách vở, tôi lên Internet học cách trồng, phòng trừ sâu, bệnh trên cây ổi bằng phương pháp hữu cơ”.
Để đỡ tốn công tưới nước, Tỵ còn đầu tư dàn ống nước phun tưới tự động. Sau 6 tháng dày công chăm sóc, vườn ổi trước nhà bắt đầu cho những lứa trái đầu tiên. Để mọi người biết đến vườn ổi, Tỵ giới thiệu bạn bè qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo,... Giờ đây, ổi không chỉ bán qua thương lái mà còn được bán online thông qua bạn bè. Hiện tại, mỗi ngày, vườn ổi thu hoạch khoảng 200-300kg, lúc cao điểm có khi lên đến 500kg hoặc 1.000kg. Bình quân mỗi kilôgam ổi, thương lái thu mua giá 10.000 đồng.
Ngoài bán ổi trái, Tỵ còn nghiên cứu từ sách vở tìm kỹ thuật chiết cành để nhân giống bán lại cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi tháng, Tỵ bán khoảng 1.000 cây giống với mức giá 12.000 đồng/cây.
Ngoài bán giống, Tỵ còn hỗ trợ người trồng về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước đến khi ổi cho trái.
Tỵ cho biết, nếu chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật, sau 6 tháng trồng, ổi sẽ cho trái. Mỗi hécta ổi sau 4 tháng thu hoạch, người trồng sẽ thu hồi vốn, phần về sau là lãi. “Đối với những giống ổi khác có khi xảy ra tình trạng “được mùa - rớt giá” nhưng với giống ổi mà Tỵ trồng, hầu như chưa khi nào bị chê hay bị ép giá” - đó là lời nhận xét của anh Sử Hồng Khanh - thương lái mua ổi vườn nhà Tỵ.
Không dừng lại ở trồng ổi, Tỵ vừa cùng một người bạn bắt tay vào nuôi 4.000 con cá chình. Tiền vốn mua cá chình giống lên đến 120 triệu đồng, đó là chưa kể tiền đầu tư hạ tầng - ao nuôi.
Tuy nhiên, Tỵ cho biết, sẽ không dừng lại ở diện tích 7.000m2 đất trồng ổi, nuôi cá chình, chàng trai trẻ này còn đang ấp ủ mở rộng vườn ổi và cho người có nhu cầu thuê sau khi ổi cho trái; phân chia các lô đất của gia đình để quy hoạch thành một điểm du lịch sinh thái thu hút du khách để tính đến đường dài trong tương lai.
Hãy cứ dấn thân!
Lê Thị Kim Ngân (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) chỉ vừa tròn tuổi 24 nhưng quyết tâm khởi nghiệp từ kinh doanh, đây là mơ ước nhen nhóm trong cô gái trẻ này từ rất lâu rồi. “Niềm đam mê của em là xây dựng, phát triển chuỗi nhà hàng ẩm thực chay sử dụng nguồn rau, củ, quả sản xuất theo quy trình hữu cơ. Người trẻ kinh doanh chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng em đã chuẩn bị kỹ các chi tiết của dự án cũng như xác định rõ nhu cầu về thị trường nên nhất định sẽ thành công. Vì thế, em và những người bạn quyết tâm thành lập Công ty TNHH MTV Tam Kỳ Hoa để thỏa niềm đam mê kinh doanh” - Ngân chia sẻ như vậy.
Lê Thị Kim Ngân
Quê Ngân ở Vĩnh Long, tốt nghiệp chuyên ngành kế toán và từng làm thuê cho các công ty phân phối phân hữu cơ vi sinh tại Long An. Theo đuổi niềm đam mê nên tiền lương hàng tháng, Ngân đều dành dụm, tích góp để dành cho dự án kinh doanh của mình. Thuận lợi lớn của Ngân là nhà quản lý phân phối phân hữu cơ vi sinh, có dịp tiếp cận rất nhiều nhà vườn sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ ở trong và ngoài tỉnh Long An.
Từ đó, ý tưởng hình thành chuỗi nhà hàng ẩm thực chay bằng rau, củ, quả sản xuất theo quy trình hữu cơ bắt đầu. Bên cạnh đó, Ngân lại đam mê văn hóa ẩm thực, đặc biệt là kiến thức về ẩm thực chay, kỹ năng chế biến các món chay theo phong cách dung hợp đặc trưng ẩm thực chay các vùng, miền.
Để bắt tay cho dự án kinh doanh của mình, Ngân và những cộng sự đến từng hộ dân, từng hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tư vấn về lợi ích khi sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ, vận động nhà nông thay đổi nhận thức, thói quen canh tác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch trong chuỗi giá trị khép kín trong nhà hàng chay Tam Kỳ Hoa.
Giải thích về thương hiệu mang tên Tam Kỳ Hoa, Ngân cho biết, đó là sự dung hợp đặc trưng ẩm thực đại diện cho 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Theo đó, thực đơn mà Ngân thiết kế sẽ có các món đặc trưng vùng, miền.
Hiện tại, Ngân đang xây dựng hệ thống vườn rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh để cung cấp cho nhà hàng. Thực khách có thể đến tận nơi tham quan hoặc xem qua camera kết nối trực tiếp tại nhà hàng.
Thời gian này, Ngân đang tập trung mọi thứ cần thiết để nhà hàng chay chính thức khai trương trước mùa lễ Vu Lan năm 2017 tại phường 4, TP.Tân An. Chia sẻ về những việc mình đang thực hiện, Ngân cho biết, thuận lợi nhất là được người thân hỗ trợ về tinh thần, nhưng khó khăn lớn nhất cho người mới khởi nghiệp là kinh phí.
Tuy nhiên, Ngân đang chia sẻ dự án của mình với “nhà đầu tư thiên thần” để được hỗ trợ. Hy vọng rằng, với lòng quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, sẽ có nhiều thanh niên khởi nghiệp hơn nữa, góp phần phát triển KT-XH địa phương./.
Mai Hương