Đồng hành cùng chống dịch
Chị Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1986) và anh Hoàng Bình (SN 1984) cùng công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An. Chị Dung là nhân viên xét nghiệm thuộc Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng.
Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, tất cả nhân sự của Trung tâm đều được huy động cho công tác chống dịch. Chị Dung cùng các đồng nghiệp phải “căng mình” làm việc bất kể ngày đêm, từ việc đi lấy mẫu tại các khu cách ly, bệnh viện (BV) dã chiến,... trong thời gian đầu. Đến khi dịch lan rộng thì các đội lấy mẫu lại tiếp tục làm nhiệm vụ tại khu, cụm công nghiệp ở các huyện trọng điểm như Cần Đước, Cần Giuộc,...
Liên tục từ ngày này qua ngày khác, sáng lấy mẫu, tối về xét nghiệm, có khi làm việc đến tận nửa đêm. Dù các đồng nghiệp chia ca thực hiện nhưng công việc rất áp lực vì đòi hỏi tính chính xác cao, nhiều yêu cầu mới nên phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung và anh Hoàng Bình cùng công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Anh Hoàng Bình là tài xế của Trung tâm, có nhiệm vụ chở nhân viên lấy mẫu, đưa rước lãnh đạo đơn vị kiểm tra hoặc hỗ trợ công tác chống dịch tại các địa phương, khi thì nhận vắc-xin hay trang thiết bị y tế,... Công việc tất bật nên dù công tác cùng đơn vị nhưng thời điểm ấy, có khi mấy ngày liền, 2 vợ chồng chẳng được gặp nhau, chỉ có thể động viên, thăm hỏi qua những cuộc điện thoại vội vàng. Con gái nhỏ 9 tuổi của anh chị được gửi ở nhà ông bà nội chăm sóc, cuối tuần anh chị lại tranh thủ về thăm.
Chị Phương Dung chia sẻ: “Vợ chồng tôi vất vả mấy cũng có thể chịu được, chỉ tội con gái phải gửi cho ông bà giữ hộ, không có cha mẹ bên cạnh. Vả lại, thời điểm ấy, chúng tôi cũng lo ngại lây lan dịch bệnh vì vợ chồng đều làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, thương con, nhớ con cũng phải hết sức cẩn thận vì sức khỏe của con và cha mẹ già”.
Dù vất vả với công việc nhưng anh chị có được thuận lợi là công tác cùng đơn vị, có thể thấu hiểu và chia sẻ cho nhau. Anh Bình cho biết: “Với chúng tôi, quan trọng nhất là vợ chồng phải có sự đồng cảm. Hiểu được công việc của nhau nên chúng tôi san sẻ, động viên nhau cùng cố gắng. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, công việc đỡ vất vả hơn trước đây, chúng tôi cũng có nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn”.
Hết lòng chăm sóc bệnh nhân
Tương tự vợ chồng anh Bình - chị Dung, “cặp đôi” điều dưỡng là anh Bùi Thanh Tùng (SN 1989) và chị Trương Thị Thanh Tuyến (SN 1990) làm việc tại BV dã chiến số 01 (điểm BV Phổi Long An) cũng là những “chiến binh” sốt sắng, hết lòng vì nhiệm vụ chống dịch.
Anh Tùng và chị Tuyến cùng về công tác tại BV Phổi Long An từ năm 2011, cùng làm việc, cảm mến nhau và kết hôn vào năm 2015. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cùng với đội ngũ nhân viên y tế của BV, anh chị tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ khi BV dã chiến được thành lập đến nay.
Với anh Bùi Thanh Tùng và chị Trương Thị Thanh Tuyến, mỗi bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện là nguồn động viên lớn nhất để vợ chồng anh chị nói riêng, các đồng nghiệp nói chung có thêm niềm tin để cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch
Thời điểm ấy, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn thường trực khi anh chị phải tự tay chăm sóc từng bệnh nhân Covid-19, trong số đó có nhiều người già, có bệnh nền và diễn biến nặng. Có khi khác ca trực, hễ chồng vào ca thì vợ trở về nên nhiều ngày liền chẳng được gặp nhau. Con nhỏ chỉ mới 5 tuổi, anh chị nhờ bà ngoại chăm giúp để có thời gian làm việc. Nhiều lúc nhớ con, vợ chồng chị chỉ biết động viên nhau cố gắng vượt qua với niềm tin dịch bệnh được khống chế, gia đình sẽ sớm sum vầy.
Theo chị Tuyến, thời điểm ấy, nhiều cán bộ y tế tuyến đầu phải xa gia đình nhiều ngày, xa con nhỏ, chấp nhận gác lại việc riêng vì sức khỏe bệnh nhân. Do đó, chị cảm thấy mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều đồng nghiệp vì vợ chồng công tác cùng đơn vị, có thể kề cận quan tâm, chăm sóc cho nhau. “Sợ vợ vất vả, chồng cũng thường xuyên “tiếp tế” thức ăn bồi dưỡng, dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng khiến tôi vô cùng xúc động. Anh cũng là người rất có trách nhiệm, tận tụy với bệnh nhân nên tôi học hỏi rất nhiều điều từ anh trong thực hiện nhiệm vụ” - chị Tuyến chia sẻ.
Theo chị Tuyến, công việc điều dưỡng cũng rất áp lực vì nhiều bệnh nhân cao tuổi có người bị đãng trí, có người thì rất khó tính, không hợp tác trong điều trị, khi bệnh diễn biến nặng thì lơ mơ, bứt rứt nên có khi tự ý gỡ dây oxy ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, các y, bác sĩ phải túc trực 24/24 giờ và thường xuyên thiếu ngủ, mệt mỏi.
Tuy nhiên, vì trách nhiệm, cán bộ y tế động viên nhau phải cố gắng hết sức, phải coi bệnh nhân như chính người thân trong gia đình mình để tận tình chăm sóc. “Mỗi bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện là nguồn động viên lớn nhất để vợ chồng tôi nói riêng, các đồng nghiệp nói chung có thêm niềm tin để cố gắng” - chị Tuyến xúc động nói.
Tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ nhân viên y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong “cuộc chiến” chống dịch. Với họ, hạnh phúc không chỉ gói gọn trong việc vun đắp cho tổ ấm của riêng mình mà còn cao đẹp hơn nữa là có thể cùng người bạn đời của mình đồng hành sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, hết lòng vì sức khỏe nhân dân./.
Tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh cao cả của đội ngũ nhân viên y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong “cuộc chiến” chống dịch. Với họ, hạnh phúc không chỉ gói gọn trong việc vun đắp cho tổ ấm của riêng mình mà còn cao đẹp hơn nữa là có thể cùng người bạn đời của mình đồng hành sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, hết lòng vì sức khỏe nhân dân”. |
Phạm Ngân