Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tiếp tục có Công văn 1908/BYT-CNTT (Công văn 1908) gửi UBND các tỉnh, thành và các cơ sở tiêm chủng hướng dẫn triển khai ký xác nhận hộ chiếu vắc xin (HCVX).
Người dân có thể xem hộ chiếu vắc xin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-COVID. Ảnh ĐẬU TIẾN ĐẠT
Xác nhận hộ chiếu vắc xin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC-COVID
Tại Công văn 1908, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn triển khai nghiêm túc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19 phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo đề nghị tại Công văn số 1495/BYT-CNTT ngày 24/3/2022) của Bộ Y tế. Các địa phương cũng được đề nghị tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng chức năng “phản ánh thông tin tiêm chủng” trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn) trong trường hợp sai sót thông tin tiêm chủng Covid-19; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý phản ánh của người dân trước ngày 15/4, để đảm bảo điều kiện ký xác nhận HCVX cho người dân đã tiêm vắc xin Covid-19.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT - Bộ Y tế), cho biết thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp Bộ TT-TT và các đơn vị liên quan đã xây dựng các chức năng cần thiết phục vụ việc ký xác nhận HCVX; hệ thống đã được thử nghiệm tại một số cơ sở tiêm chủng thuộc Bộ Y tế và đã sẵn sàng triển khai trên cả nước.
Theo Cục CNTT, những ngày qua, Bộ Y tế đã bắt đầu ký xác nhận kết quả tiêm chủng vắc xin Covid-19 của cơ sở gửi lên hệ thống. Đến chiều 15/4, cả nước có khoảng 500.000 người đã có xác nhận HCVX trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC-COVID. Các địa phương và cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng đang xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số trước khi chuyển dữ liệu lên hệ thống để Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận HCVX cho người dân. Trước đây, điểm tiêm chủng ký xác nhận bằng giấy cấp cho người dân thì nay cũng với dữ liệu đó, cơ sở tiêm chủng sẽ xác nhận bằng chữ ký điện tử để cập nhật lên hệ thống. Đây là điều kiện bắt buộc để xác nhận HCVX cho các cá nhân.
Quy trình cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19
Theo Quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp HCVX bao gồm 3 bước. Trong đó, bước 1, các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Bước 2, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19. Bước 3, Cục Y tế dự phòng thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19.
|
Người dân có thể xem HCVX trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên cổng thông tin do Bộ Y tế công bố trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục CNTT cũng cho biết, ngay trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã đề nghị “100% cơ sở tiêm chủng phải hoàn thành việc cập nhật mũi tiêm lên hệ thống ngay trong ngày”, là dữ liệu để cấp HCVX cho các trẻ.
Theo Bộ Y tế, HCVX điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC-COVID. Người dân có thể kiểm tra thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin điện tử tiêm chủng Covid-19 hoặc ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Tới đây, các cá nhân cũng có thể kiểm tra trên trang tra cứu HCVX do Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới. Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng hoặc trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Nếu có sai sót, thiếu thông tin, cần liên hệ trực tiếp hoặc phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.
Người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm
Đại diện Cục CNTT khẳng định, trường hợp người dân tiêm chủng các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở tiêm có trách nhiệm cập nhật lên hệ thống và ký số chứng nhận. Bộ Y tế sẽ cấp HCVX bao gồm thông tin các mũi tiêm; người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm. Trường hợp công dân không có hoặc mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy vẫn được cấp HCVX nhưng với điều kiện trên hệ thống quản lý các thông tin của cá nhân đó đã được các cơ sở tiêm chủng cập nhật.
Trước băn khoăn về việc các mũi tiêm còn sai lệch về thông tin, tại hội thảo về triển khai cấp HCVX với 63 tỉnh, thành được Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Cục CNTT lưu ý để làm sạch dữ liệu, bổ sung mũi tiêm cũ, cơ sở tiêm chủng địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an bổ sung, xác minh, xác thực cũng như nhập dữ liệu lên hệ thống các thông tin đúng cho các cá nhân. Tuy nhiên, người dân cũng cần cung cấp đầy đủ, chính xác tránh nhầm lẫn, vì nếu thông tin sai lệch thì không thể cấp được HCVX.
Theo Cục CNTT, mã QR HCVX Covid-19 hết hạn sau 12 tháng là giải pháp kỹ thuật để bảo mật. Sau 12 tháng, người dân sẽ được thông báo, hệ thống tự khởi động mã QR khác./.
Theo thanhnien.vn