Diễu hành tuyên truyền các thông điệp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Ngọc Mận
Sốt xuất huyết (SXH) là dịch bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Bệnh SXH thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Nếu không chủ động phòng, chống, dịch bệnh SXH sẽ bùng phát. Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh: Diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất tại gia đình, khu dân cư; ngủ mùng kể cả ban ngày; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu bệnh SXH phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời,...
Một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch SXH chính là sự chủ quan của người dân. Mặc dù được tuyên truyền thường xuyên nhưng nhiều người cứ nghĩ bệnh không xảy ra với mình và khi có dấu hiệu SXH lại tự điều trị tại nhà mà không đến cơ sở y tế khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Mặt khác, sự tham gia của chính quyền và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế, chưa thường xuyên nhắc nhở người dân giữ vệ sinh môi trường, đổ bỏ những dụng cụ chứa nước khi không sử dụng nhằm diệt lăng quăng và muỗi để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Để phòng, chống SXH, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp: Diệt lăng quăng, diệt muỗi, phát quang bụi rậm, vệ sinh quanh nơi ở, ngủ mùng dù ban ngày hay ban đêm, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Đồng thời, tích cực phối hợp ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH. Các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống SXH cho người dân./.
Cẩm Nhung