Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 22:20

Không để trẻ “nghiện” các thiết bị công nghệ

Các thiết bị công nghệ mang đến nhiều tiện lợi nhưng tác hại của nó cũng không hề nhỏ. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng một cách hợp lý để tránh bị lạm dụng, đặc biệt là phải giáo dục các trẻ nhỏ để các em tránh “nghiện” các thiết bị này.

Gia đình là chìa khóa

Việc giáo dục trẻ tại gia đình là quan trọng nhất, sự quan tâm chăm sóc từ những người thân luôn là điều tốt nhất đối với các em. Để các em hiểu và biết được những cái tốt, cái xấu của các thiệt bị công nghệ, người lớn trong gia đình cần phải có những phương pháp hợp lý, nắm bắt tâm lý của trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên tránh tình trạng mải lo công việc mà đem các thiết bị công nghệ cho trẻ chơi để mình có thời gian làm việc. Điều này vô cùng nguy hiểm, dễ tập thành thói quen, dẫn đến tình trạng trẻ "nghiện" lúc nào không hay.

Gia đình chị Đỗ Thị Xuân Thảo, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An - một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu tâm sự: “Gia đình tôi cho hai cháu tiếp cận các thiết bị công nghệ cũng khá sớm nhằm giúp các cháu có thể học thêm kiến thức, rèn luyện các kỹ năng để trang bị tốt cho bản thân nhưng cũng ý thức được tác hại. Vì vậy, mỗi tuần gia đình chỉ cho các cháu giải trí hai lần vào các ngày nghỉ giúp các cháu bớt căng thẳng trong việc học hành”.

Thông qua các cuộc thi liên quan về công nghệ góp phần giúp các em tránh được việc "nghiện" các thiết bị công nghệ

Còn gia đình anh Phạm Minh Tuấn, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Gia đình cũng có hai cháu trong độ tuổi học cấp 1 và cấp 2. Tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ mang đến nhiều thuận lợi phục vụ cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu không khéo quản lý thì các thiết bị công nghệ kia sẽ làm ảnh hưởng đến các cháu, có khi “nghiện” không bỏ được, sẽ dẫn đến nhiều tác hại. Do đó, gia đình lên thời gian biểu về việc sử dụng điện thoại, laptop,… để phục vụ việc học và giải trí cho các con, tránh được việc trẻ "nghiện" các thiết bị này”.

Cùng chung tay

Việc không để trẻ "nghiện" các thiết bị công nghệ không chỉ là việc riêng của gia đình mà đó còn là việc chung của toàn xã hội. Nhiều năm qua, các sở, ban, ngành trong tỉnh luôn quan tâm để trẻ không "nghiện" các thiết bị này, dẫn đến những hệ lụy, tác hại khó lường cho chính bản thân các cháu cũng như ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa & Gia đình - Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Long An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 97% gia đình văn hóa và đánh giá xếp loại gia đình văn hóa dựa trên 3 tiêu chuẩn. Hằng năm, sở đều tổ chức các lớp tập huấn cho Ban Vận động ở cơ sở về các vấn đề liên quan đến việc xếp loại gia đình văn hóa cũng như các biện pháp hạn chế việc trẻ nghiện các thiết bị công nghệ. Qua đó, Ban Vận động cơ sở sẽ kết hợp với việc thông tin, tuyên truyền cũng như định hướng để các gia đình giáo dục con em mình, tránh "nghiện" các thiết bị công nghệ.

Từ ghế nhà trường, các em được giáo dục, rèn luyện để không "nghiện" các thiết bị công nghệ. Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Long An - Nguyễn Thanh Tiệp thông tin: Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh luôn quan tâm đến việc làm thế nào để các em không "nghiện" các thiết bị công nghệ và coi đó là một phần nhiệm vụ của mình. Các thầy cô đứng lớp luôn lồng ghép vào bài giảng của mình để định hướng cho các em. Nhà trường phối hợp phụ huynh học sinh thông tin kịp thời, giáo dục và có hướng giải quyết phù hợp đối với các em. Ngoài ra, sở và một số sở, ngành khác trong tỉnh thông qua một số cuộc thi, hội thi liên quan về công nghệ giúp các em có thể phát huy khả năng của mình, đồng thời nhận thức đúng đắn về việc sử dụng các thiết bị công nghệ./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích