Tiếng Việt | English

16/09/2024 - 08:29

Không đợi 'nước đến chân mới nhảy'

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo: TP.HCM và các tỉnh, thành phố miền Nam bắt đầu vào đợt mưa to, gió lớn kéo dài nhiều ngày tới. Thậm chí, dải hội tụ nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên và hình thành áp thấp nhiệt đới.

Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; rủi ro do thiên tai ở cấp độ 1. Đây là đợt mưa lớn kéo dài nhất kể từ khi bắt đầu mùa mưa tại khu vực Nam Bộ. Mưa to kết hợp triều cường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, những tháng cuối năm có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina (đã diễn ra năm 2020).

Trên địa bàn tỉnh Long An, theo bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết 10 ngày giữa tháng 9/2024 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 11 đến 20/9, hầu hết các ngày đều có mưa, mưa rào và giông, có nơi mưa vừa, cục bộ mưa to.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cảnh báo có khả năng xuất hiện 1 đợt mưa diện rộng; khả năng có bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; lượng mưa phổ biến từ 70-110mm, cao hơn so cùng kỳ; nhiệt độ trung bình phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm trước;...

Chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, tỉnh đề ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại, góp phần phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm định an ninh chính trị.

UBND tỉnh phân công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro sát với tình hình thực tế; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trước khi xảy ra bão, lũ; kịp thời nắm thông tin, công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai; đồng thời, xác định các điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mưa lũ.

Bên cạnh đó, Sở tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai do ngành quản lý, bảo đảm an toàn trong mùa mưa, bão, lũ; thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra; tổ chức phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng, đơn vị, địa phương, liên tỉnh, liên quốc gia để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi xảy ra thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để phối hợp sơ tán dân và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông thông suốt khi xảy ra thiên tai; rà soát các công trình giao thông ảnh hưởng đến thoát lũ để có biện pháp xử lý; kịp thời khắc phục, sửa chữa giao thông đường bộ khi có sự cố; tổ chức kiểm đếm, chuẩn bị các phương tiện vận tải thủy, bộ, hỗ trợ sơ tán, cứu hộ khi cần thiết.

Sở Xây dựng rà soát, thống kê, hướng dẫn và đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình đã cũ, xuống cấp, có dấu hiệu mất an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tổ chức kiểm tra các công trình thi công xây dựng đúng tiêu chuẩn thiết kế, thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn công trình. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng mô hình nhà ở an toàn phòng tránh thiên tai và phương án khắc phục tình trạng ngập úng tại đô thị khi xảy ra mưa lớn.

Khi có sự cố xảy ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và chính sách bảo đảm quyền lợi của người tham gia công tác phòng, chống thiên tai.

Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống; chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho cộng đồng.

UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai cho hội viên, đoàn viên và trong cộng đồng; quan tâm chăm sóc người già, phụ nữ, trẻ em trong mùa bão, lũ, hướng dẫn các hộ gia đình về kỹ năng phòng tránh thiên tai.

Chính quyền địa phương rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm, xung yếu, có khả năng ảnh hưởng thiệt hại khi xảy ra thiên tai, chủ động di dời, sơ tán các hộ dân sống quanh khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười tăng cường kiểm tra và chủ động gia cố hệ thống ô bao, bờ bao lửng để bảo vệ an toàn diện tích sản xuất, đề phòng lũ lớn có thể xảy ra đột biến.

Hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 là hồi chuông nhắc nhở toàn xã hội không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai. Bài học quý giá nhất là “phòng là chính”, chủ động ứng phó, không đợi “nước đến chân mới nhảy” nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong mùa mưa, bão./.

Tân An

Chia sẻ bài viết