Tiếng Việt | English

06/03/2017 - 08:42

Không được chủ quan trong phòng, chống dịch cúm gia cầm

Trước tình hình dịch cúm gia cầm độc lực cao đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có khả năng xâm nhập vào nước ta, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9, A/H5N6 và A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, tại một số địa phương xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 trên đàn gia cầm. Do đó, không chỉ tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm mà quan trọng hơn là phòng ngừa lây nhiễm các virus cúm này từ gia cầm sang người. Đặc biệt, trước thông tin nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc có số ca mắc cúm A/H7N9 tăng đột biến, tỷ lệ tử vong cao, càng đặt ra yêu cầu không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; thường xuyên tổ chức các đợt tiêu độc, khử trùng tại các chợ gia cầm sống, đặc biệt là các chợ đầu mối, các trang trại chăn nuôi gia cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ trong theo dõi tình hình dịch bệnh mới nổi, triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức điều trị kịp thời khi phát hiện có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9. Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch,...

Nhằm chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh và lây sang người, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, các địa phương tập trung thực hiện một số công tác cấp bách. Trong đó, yêu cầu tăng cường ngăn chặn, bắt giữ, xử lý gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Ngành Thú y tăng cường công tác giám sát chủ động, lấy mẫu giám sát các chủng virus cúm trên gia cầm nhập lậu, gia cầm bán tại các chợ gia cầm sống và môi trường nhằm phát hiện sớm virus xâm nhập. Ngành Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng,... Các địa phương, cơ quan chức năng liên quan chủ động trong phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm,...

Hơn lúc nào hết, công tác tuyên truyền trong lúc này cần được tăng cường để mọi người, mọi nhà biết được các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Các hộ chăn nuôi không được giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh,... Trong tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng dịch nhưng cũng tránh gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Phòng, chống dịch cúm gia cầm không chỉ bảo vệ đàn vật nuôi mà quan trọng hơn chính là sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, các cấp, các ngành cùng cộng đồng không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Từ Nguyên

Chia sẻ bài viết