Tiếng Việt | English

28/09/2017 - 15:02

Không thể chỉ dạy nghề lao động chân tay mãi được

Trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công tác dạy nghề đang đứng trước thách thức lớn buộc phải đổi mới để thích ứng.

Tại Việt Nam, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, phương thức đào tạo truyền thống tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ trở nên lạc hậu, kéo theo nguy cơ mất việc làm của lao động ở một số ngành nghề. Trước xu thế tất yếu này, công tác dạy nghề đang đứng trước thách thức lớn buộc phải đổi mới để thích ứng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những biến đổi mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực. Dự báo, sẽ có nhiều ngành nghề tăng trưởng và một số ngành nghề khác bị suy thoái, gây ra tình trạng thừa lao động. Đây là áp lực buộc các trường nghề phải xem xét và chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với sự phát triển chung của thế giới.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, có đến 86% lao động ngành dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ thất nghiệp từ sự tác động của những đột phá về công nghệ dưới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi máy móc làm thay con người, những công việc lao động đơn giản sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Công nghệ robot sẽ trở nên thịnh hành và hoàn thiện hơn, với chi phí ngày càng thấp. Những ngành nghề như dệt may, giày dép vốn đã tạo ra lượng lao động lớn trong cả nước sẽ có thể bị thiệt hại không nhỏ.

Trường nghề trước thách thức thay đổi để thích ứng (ảnh minh họa - báo Quảng Ngãi)
Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trường Trường Cao đẳng nghề Quốc tế TP HCM nói: “Doanh nghiệp ứng dụng robot với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, đó là chuyện bắt buộc phải thích ứng. Đóng vai trò là người lao động, khi vào doanh nghiệp cũng phải thích ứng, không thể làm chân tay mãi. Chính vì vấn đề này mới cần đến đào tạo”.

Theo ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng đào tạo, trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, các trường nghề cần phải chuyển hướng đào tạo cho phù hợp với thị trường, gắn đào tạo với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Ngoài việc đảm bảo có đầy đủ cơ sở, trang thiết bị hiện đại thì chương trình đào tạo cũng phải được cập nhật: "Hiện tại, chương trình đào tạo phải thay đổi, dần loại bỏ các mô đun môn học mang tính chất thuần tuý về lý thuyết cũ, thay vào đó phải dạy cho người học biết sử dụng công nghệ và kỹ thuật sử dụng công nghệ đó”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty công nghệ DTT cho rằng, để bắt nhịp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới từ phương pháp học tập và dạy học cũng như hoạt động quản trị của nhà trường. Cải cách giáo dục và tạo ra hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo là rất quan trọng.

Ông Trung cho biết: “Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần nâng cao nồng độ khoa học công nghệ trong các hoạt động của mình một cách cụ thể và đặc biệt là đổi mới sáng tạo, chứ không chỉ nghiên cứu hàn lâm. Phải thay đổi giáo trình và cách thức dạy học từ cấp phổ thông đến dạy nghề, đại học”.

Nhiều chuyên gia về lao động, việc làm cũng như đại diện các trường nghề cho rằng, để phát triển giáo dục nghề nghiệp, đội ngũ giảng viên cũng cần thiết phải được cập nhật, tập huấn bồi dưỡng để nâng cao nhận thức và phát triển những kỹ năng mới. Chú trọng thúc đẩy đổi mới các hoạt động quản trị nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo.

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do đó điều quan trọng nhất là phát triển các hình thức đào tạo mở sử dụng tài nguyên Internet, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao, hợp tác quốc tế./. 

Duy Phương/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Tổng hợp việc làm đà nẵng tại VietnamWorks