Tiếng Việt | English

04/08/2016 - 09:03

Kỳ cuối: Những cổ vật quý tại đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Lăng mộ và Đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1993.

Thêm một cổ vật tại đền thờ được làm từ chất liệu gỗ là ngai thờ. Sinh thời, Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đã 3 lần sang Xiêm. Lần thứ nhất vào năm Canh Tuất (1790), ông sang Vọng Các tìm Nguyễn Vương; lần thứ 2 vào năm Kỷ Mùi (1799), ông đem quân sang giúp vua Xiêm đánh Miến Điện xâm lược và lần thứ 3 vào năm Tân Dậu (1801), ông sang Xiêm mang quốc thư và lễ vật ngoại giao của Nguyễn Vương. Phật vương nước Xiêm rất kính phục Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Ngai thờ này có thể được vua Xiêm tặng cho Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Vì thế, niên đại của chiếc ngai thờ này muộn nhất cũng trên 200 năm.

Hoành phi Vạn lý danh

Hoành phi làm bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, dài 1m, rộng 60cm. Viền quanh hoành phi là hoa văn chạm nổi họa tiết dây lá và lưỡng long chầu nguyệt. Giữa hoành phi có 3 chữ Hán đại tự thếp vàng Vạn lý danh, bên phải hoành phi có dòng lạc khoản: Giáp dần niên, trọng xuân (Tháng hai năm Giáp dần - 1854). Nội dung hoành phi ca tụng tiếng tăm của Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức bay xa vạn dặm, lấy ý từ câu “Vạn lý chi danh” trong bài Thọ phần minh do vua Gia Long ngự ban ở mộ phần Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.

Sắc phong năm 1802

Những cổ vật trên gắn liền với cuộc sống sinh hoạt đời thường của Quận công, từ khi còn trai trẻ đến lúc gia nhập đội quân Đông Sơn, trở thành khai quốc công thần triều Nguyễn và cả khi ông mất đi. Chúng không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà còn chứa đựng yếu tố tâm linh, thể hiện sự tôn kính của người dân địa phương đối với vị quan luôn lấy chữ Trung làm đầu như câu “trung thần bất sự nhị quân” - tôi trung không thờ hai chúa.

Bên cạnh những cổ vật gỗ thì cổ vật chất liệu kim loại là một điểm nhấn thú vị tại Lăng mộ và đền thờ Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Chiếc khánh có chất liệu bằng đồng thau, nặng 40kg, được đúc vào năm 1819 - cùng năm Quận công Nguyễn Huỳnh Đức mất. Trên khánh có hoa văn mặt trời, mây và chùm sao Bắc Đẩu. Bên phải khánh có dòng chữ Hán: “Kỷ mão niên, thất nguyệt, cát nhật, lương thần chú tạo” (đúc vào ngày, giờ tốt, tháng bảy, năm Kỷ Mão).

Năm Tự Đức thứ 4 (1851), vào ngày mồng 4, tháng 8, vua Tự Đức sắc phong Nguyễn Huỳnh Kim, cháu nội Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức chức Cai đội, trật Chánh ngũ phẩm, tước Kiến Xương tử, giữ việc thờ cúng Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. Ấn đồng này được vua ban cho Nguyễn Huỳnh Kim cùng với sắc phong.

Trong số các cổ vật quý tại đền thờ Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức thì cổ vật chất liệu giấy chiếm số lượng lớn. Đó là các sắc phong, chiếu, chế, chỉ và cả tranh vẽ - nguồn tư liệu hết sức quý báu cho công tác nghiên cứu khoa học.

Chân dung Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức là bức tranh vẽ bằng mực tàu trên giấy dó theo cách vẽ truyền thần. Bức tranh này được vẽ năm 1802, lúc Quận công Nguyễn Huỳnh Đức 55 tuổi, đang làm Trấn thủ thành Quy Nhơn.


Ấn đồng được đúc năm 1851

Chỉ chất liệu giấy, đã hư hỏng phần lớn, đề ngày 20 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 62 (1801). Theo gia tộc Nguyễn Huỳnh, đây là chỉ sai Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức mang phẩm vật ngoại giao sang Xiêm để tranh thủ sự ủng hộ của nước này trong cuộc quyết chiến cuối cùng với Tây Sơn.

Sắc phong quan tước cho Nguyễn Huỳnh Đức ngày mồng một, tháng năm, năm Gia Long Nguyên niên (1802).

Sắc vua Gia Long truy phong cho ông Huỳnh Công Châu, tổ phụ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức ngày mồng một, tháng chín, năm Gia Long thứ ba (1804 ). Sắc bằng lụa vàng, thêu rồng, dài 0,75m, rộng 0,40m.

Chế vua Minh Mạng truy tặng chức hàm cho Nguyễn Huỳnh Đức ngày 11, tháng bảy, năm Minh Mạng thứ 12 (1831) được làm bằng tơ vàng, thêu rồng, dài 1,5m, rộng 0,5m.

Sắc vua Minh Mạng ban cấp tự điền cho Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức ngày 15, tháng mười một, năm Minh Mạng thứ 5 (1824). Sắc bằng giấy vàng, in rồng chìm, dài 1,5m, rộng 0,5m.

Chiếu vua Minh Mạng phong chức tước cho Nguyễn Huỳnh Thành (thứ nam Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức) ngày 22, tháng tám, năm Minh Mạng thứ 10 (1829).

Chiếu vua Minh Mạng gia phong quan tước cho Vệ úy Thành Tín hầu Nguyễn Huỳnh Thành nhân lễ Tứ tuần đại khánh ngày 4, tháng sáu, năm Minh Mạng thứ 11 (1830).

Chế của vua Tự Đức tập phong cho Nguyễn Huỳnh Kim (cháu nội Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức) ngày 2, tháng tám, năm Tự Đức thứ 3 (1851). Chế bằng lụa trắng thêu rồng vàng, dài 1,3m, rộng 0,3m.

Với sự đa dạng về chất liệu, phong phú về số lượng và có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,... những cổ vật tại Lăng mộ và đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức là tài sản quý báu của dân tộc. Chúng ta gìn giữ, chăm sóc và bảo quản tốt vốn quý của ông cha để lại chính là góp phần quan trọng vào việc giữ gìn lịch sử, vốn liếng văn hóa của dân tộc và cũng là làm tròn trách nhiệm với thế hệ con cháu mai sau./.

Hồ Phan-Mộng Tuyền

Chia sẻ bài viết