Tiếng Việt | English

03/08/2016 - 08:36

Những cổ vật quý tại đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Lăng mộ và Đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1993.

Chân dung Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, nay là phường Khánh Hậu, TP. Tân An. Xuất thân trong một gia đình võ tướng 3 đời nên ông sớm có tài võ lược và được người đương thời gọi là “Hổ tướng”. Năm 1780, ông theo phò Nguyễn Ánh, lập nên nhiều chiến công và trở thành khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Khâm sai Chưởng Hữu Bình Tây tướng quân, trấn giữ Diên Khánh (năm 1796); Tổng trấn Bắc thành (năm 1810); Khâm sai Chưởng tiền quân (năm 1812); Tổng trấn Gia Định thành (năm 1815)… Đến ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (1819) ông từ giã cõi đời, hưởng thọ 72 tuổi. Hay tin ông mất, vua Gia Long mến tiếc vô cùng, ban cho vàng bạc, tơ lụa cử hành lễ tang trọng thể.

Ngày 16 tháng 10 năm 1819, vua Gia Long truy tặng ông: “Thôi trung Dực vận công thần, đắc tấn phục quốc, Thái phó Đức quận công, Thượng tướng quân thượng trụ quốc”. Năm 1820, ông được vua Minh Mệnh phong tặng: “Thái phó Đức Quận công, hàm ân trung nghị”. Năm 1831, vua Minh Mệnh sắc phong: “Kiến xương Quận công”.

Hai năm trước khi mất, tức năm 1817, ông đã cho xây trước mộ phần ở quê nhà. Lăng mộ Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức là một công trình kiến trúc cổ của Long An còn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX.

Bên trong đền thờ Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức còn lưu giữ, trưng bày nhiều cổ vật quý với nhiều chất liệu (kim loại, gỗ, giấy) có giá trị về lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, là nguồn tư liệu quý hiếm phục vụ công tác tham quan và nghiên cứu khoa học thời kỳ cận đại.

Bộ ván một đang được đặt tại tiền điện đền thờ Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức 

Trong số những cổ vật chất liệu gỗ đặc biệt phải kể đến bộ ván một. Đây là vật chứng của gia tộc Nguyễn Huỳnh trong công cuộc khẩn hoang và định cư ở đất Ba Giồng và được gia đình bảo quản tốt từ ấy đến nay. Theo lời kể của gia tộc Nguyễn Huỳnh, bộ ván một này là di vật của Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức, được ông sử dụng hồi còn ở quê nhà, lúc chưa đi theo phò Chúa Nguyễn. Như vậy, bộ ván này có niên đại muộn nhất cũng vào năm 1780.

Tương truyền, đây là bộ ván linh thiêng, nếu ai có lòng tà vạy, gian tham dám ngồi lên bộ ván thì thế nào cũng bị Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức quở phạt. Cụ Nguyễn Huỳnh Tân (1878-1954) là cháu đời thứ năm của Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức có truyền lại cho con cháu một mẩu chuyện thú vị: Vào khoảng năm 1880, khi Quận công Nguyễn Huỳnh Đức mất hơn 60 năm, tại khu vực giáp ranh 2 tỉnh Long An và Tiền Giang bây giờ có cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do ông Ong và ông Khả lãnh đạo.

Lúc bấy giờ, tên việt gian Trần Bá Lộc đang trấn nhậm vùng Cái Bè đem quân đến đàn áp cuộc khởi nghĩa theo lệnh của Tây. Một hôm hắn dẫn lính vào lùng sục, tra khảo nhân dân làng Tường Khánh. Khi đi ngang đền thờ Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức, Trần Bá Lộc rẽ vào và leo lên bộ ván ngồi một cách nghênh ngang. Giữa lúc con cháu Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đang lạy chào thì Trần Bá Lộc đột nhiên té nhào từ trên bộ ván xuống. Lính hầu lật đật khiêng Trần Bá Lộc lên giường nằm. Một lúc sau Trần Bá Lộc tỉnh lại, nét mặt hốt hoảng kể lại rằng: “Ta đương ngồi trên bộ ván thình lình có một bọn 5, 6 người tự xưng là bộ hạ của Quan Thượng Tiền quân vâng lệnh ngài đến bắt ta đem chém. Ta vùng vẩy, chống cự lại bọn lính hầu nên mới bị té xuống đất. Mấy chục năm nay ta đánh Nam dẹp Bắc, giết người như chém cỏ, từng đốn tre kẹp con nít, bỏ người vào cối quết chẳng gớm tay. Hôm nay là lần đầu tiên ta phải kiêng sợ bộ ván linh của quan Thượng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức vậy”. Từ đó về sau, không một ai dám ngồi lên “Bộ Ván Linh” của Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức.

Ngoài bộ ván một thì mui võng là di vật của Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức, đã có trên 200 năm tuổi. Mui võng này gồm có 2 phần là sườn gỗ và mái che. Sườn gỗ gồm 2 thanh gỗ dài 4m, hai đầu chạm rồng, được nối với nhau bằng 2 mảnh gỗ thếp vàng, chạm hoa văn mặt trời và mây. Mái che có hình bầu dục, đan bằng tre chẻ đều, thật mảnh, phía trên có phủ một lớp giấy và sơn dầu. Mui võng này là một phần của chiếc võng, cho đến đầu thế kỷ XX, chiếc võng vẫn còn nguyên vẹn. Đến năm Giáp thìn (1904), một cơn bão lớn đã làm sập nhà thờ, làm hỏng chiếc võng, chỉ còn lại phần mui như hiện nay./.

...(còn tiếp)

Hồ Phan Mộng Tuyền

Chia sẻ bài viết