Tiếng Việt | English

14/02/2019 - 19:41

Kỷ niệm khó quên

Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết - giáo viên Trường THCS Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An gửi đến chuyên mục Hoa học trò ngay ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019 như lời chia sẻ về kỷ niệm “không bao giờ quên trong công tác chủ nhiệm của cuộc đời dạy học của mình”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An năm 1998, đến nay đã hơn 20 năm trong nghề và gần như chừng đó năm tôi đều làm công tác chủ nhiệm. Thế hệ học trò ngày xưa ấy chắc chắn khác nhiều so với hiện tại và tôi cũng thấy rằng cách giáo dục, dạy dỗ,... của mình qua ngần ấy thời gian cũng thay đổi rất nhiều. Trong vô vàn kỷ niệm vui buồn, tôi nhớ nhất về lần lớp mình chủ nhiệm bị tụt hạng.

Tôi nhớ hôm đó là thứ bảy, chuẩn bị vào tiết sinh hoạt lớp, lòng tôi chùng xuống. Tuần này, lớp tôi chủ nhiệm tụt từ vị trí thứ ba xuống hạng cuối. Ổn định lớp xong, lớp trưởng báo cáo tuần qua: “Có một bạn không thuộc bài, một bạn không làm bài ở nhà, một bạn nam tóc dài, nhiều bạn không xếp hàng khi vào lớp...”. Với tâm trạng vừa giận, vừa buồn, tôi bắt đầu bài giáo huấn với thái độ gay gắt: “Tóc tai cô nói hoài sao em không nghe chứ, học sinh phải cắt tóc gọn gàng chứ, chỉ cái việc xếp hàng vào lớp cũng không xong nữa sao! Bài cũ, bài tập về nhà thì phải làm, mỗi em cố gắng một chút...”. Cả lớp im phăng phắc, không khí thật ngột ngạt...

Tôi chợt nhận ra có hai học sinh ở phía cuối lớp mặt đỏ rần, nước mắt chực trào ra. Nhìn thấy thái độ của hai em, tôi chạnh lòng, một em học sinh vừa giơ tay xin ý kiến:

- Thưa cô! mấy bữa nay bà ngoại em bệnh, em phải đến nhà bà ngoại mỗi đêm để canh chừng bà nên không học bài, làm bài được. Em hứa sẽ cố gắng. Em xin lỗi cô và các bạn!

Vừa dứt lời, em thứ hai đứng lên nói:

- Thưa cô, nhà em cũng có việc đột xuất, em phải phụ mẹ nên không làm bài, em hứa với cô sẽ không còn chuyện này xảy ra nữa.

Nghe hai em trình bày, tôi nghẹn giọng, không thể nói thêm câu nào nữa. Thì ra mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau mà mình chưa quan tâm đến. Tôi vẫn hay căn dặn các em phải làm cái này, cái kia mà không nghĩ đến cuộc sống riêng của các em. Nếu tôi theo sát từng em, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình từng em thì kết quả của lớp tôi chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.

Qua câu chuyện, tôi có thêm bài học quý giá nằm ngoài giáo trình sư phạm. Và đó là bài học mà tôi đã thuộc nằm lòng, lúc nào cũng cố gắng nhìn học trò qua lăng kính này, nếu không thì tôi sẽ sai.

Sau buổi sinh hoạt lớp hôm ấy, phương pháp giáo dục của tôi khác hẳn. Tôi quan tâm đến từng em hơn, không áp đặt, đánh giá các em một cách máy móc mà tìm hiểu từng trường hợp vi phạm để có hướng động viên, khích lệ và giáo dục phù hợp. Đây là bài học không chỉ cho tôi mà cho tất cả những giáo viên./.

Nguyễn Thị Bạch Tuyết

Bài vở cộng tác Chuyên mục HHT xin gửi về: vomanhhao@gmail.com
Chia sẻ bài viết