Tiếng Việt | English

06/08/2016 - 20:45

Làm gì khi bị rách sụn chêm?

Nhiều bệnh nhân chơi thể thao thường tìm đến bác sĩ với tình trạng đau khớp gối và có cảm giác “có gì đó” kẹt bên trong, co duỗi gối rất khó khăn.

 

Khi có các triệu chứng như đau gối, sưng, khớp gối bị kẹt....có thể sụn chêm của bạn đã bất thường. Ảnh minh họa

Bác sĩ Trần Anh Vũ (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết nguyên nhân thường gặp là do mảnh rách của sụn chêm ở gối kẹt vào giữa lồi cầu đùi và mâm chày gây kẹt khớp và gây đau.

* Sụn chêm gối là gì và rách sụn chêm thường gặp trong trường hợp nào?

- Chúng ta có thể hiểu đơn giản sụn chêm như một lớp đệm phân phối lực đều lên khớp gối, tạo sự vững chắc cho khớp, giúp phân bố đều dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp. Sụn chêm còn tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp. Ở người trẻ, rách sụn chêm thường xảy ra đột ngột sau một chấn thương thể thao, tai nạn giao thông ở tư thế gấp gối và bị vặn xoắn. Ở người có tuổi, rách sụn chêm thường là do thoái hóa.

* Làm thế nào để biết mình có bị rách sụn chêm hay không?

- Khi bạn có các triệu chứng như đau gối, sưng, khớp gối bị kẹt, hoặc có tiếng lục cục trong khớp khi vận động hoặc không thể gấp duỗi hết tầm, có thể sụn chêm của bạn đã bất thường, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và chẩn đoán chính xác hơn. Hình ảnh MRI khớp gối cũng góp phần quan trọng vào việc phát hiện các bệnh lý về sụn chêm.

* Điều trị rách sụn chêm như thế nào?

- Chúng ta có thể điều trị bảo tồn trong những trường hợp rách nhỏ, lâm sàng không đau, gối còn vững. Điều trị ngay sau chấn thương bằng cách: chườm đá, băng thun gối, hạn chế vận động, đồng thời dùng các thuốc giảm đau kháng viêm, giảm phù nề. Trong trường hợp nặng hơn, chúng ta cần phải phẫu thuật qua nội soi khớp gối và chỉ định khâu sụn chêm hoặc cắt tạo hình sụn chêm phụ thuộc vào phân độ rách sụn chêm./.

Theo tuoitre.vn

 

 

Chia sẻ bài viết