Tiếng Việt | English

01/08/2017 - 04:57

Làm sao để ‘cai nghiện’ điện thoại?

Steve Jobs, người đã thay đổi thế giới bằng chiếc iPad, nhưng rất nhiều người không biết chính ông không hề cho con mình dùng chiếc máy tính bảng nào.

 

Ảnh: Reuters

Bạn nghĩ mình cần bao nhiêu thời gian để kiểm tra một email công việc chưa đọc? 10 phút? 5 phút? Hay 1 phút?

Hãy thử 6 giây thôi.

Vâng, theo một bài viết đăng trên tạp chí Time (Mỹ), trên thực tế, có tới 70% email công việc chỉ cần đọc trong 6 giây.

Thực tiễn đời sống chỉ ra rằng, thay vì cải thiện cuộc sống của chúng ta, công nghệ lại đang lấn át phần lớn thời gian thưởng thức cuộc sống của mỗi người. Căn nguyên lớn nhất của tình trạng đó là các thứ máy móc lúc nào cũng kè kè trên người chúng ta dù ở đâu, làm gì.

Ông Adam Alter, giáo sư chuyên ngành marketing tại Đại học New York, tác giả cuốn sách Irresistible: The Rise of Addictive Technology and the Business of Keeping Us Hooked, đã lý giải tình trạng nghiện thiết bị công nghệ và gợi ý những giải pháp cai nghiện cho những ai quan tâm tới vấn đề này.

Ảnh: Reuters

1, Bạn có nghiện điện thoại?

Nhiều người vẫn nói họ không nghiện công nghệ, họ chỉ thích nó thôi. Nhưng rồi cũng chính những người này lại sẽ nói những câu như: "Tôi ước mình có thêm thời gian để làm những việc mình yêu thích".

Giống như tác giả Thoreau từng nói: "Giá của mọi thứ chính là một phần cuộc đời mà anh phải đánh đổi để có nó".

Trung bình mỗi người dành khoảng 3 giờ/ngày cho chiếc điện thoại. Ở giai đoạn "tiền smartphone", khoảng thời gian đó là 18 phút.

Sự lệ thuộc vào smartphone của con người hiện nay ám ảnh tới mức, theo chuyên gia Adam, trong một thí nghiệm khảo sát tâm lý, khi được hỏi nếu phải lựa chọn hoặc bị xương hoặc bị vỡ điện thoại, đã có tới 46% người lựa chọn thà bị gãy xương.

Còn nếu bạn có con nhỏ, vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Trẻ không học được sự đồng cảm và trí tuệ xúc cảm từ màn hình.

Theo Adam, trẻ em hiện nay đã giảm bớt tới 20% thời gian vui chơi trực tiếp với bạn bè, người khác. Thời gian đó "chui" vào đâu thì bạn biết rồi đấy!

Điện thoại không phải ma túy, vậy sao chúng ta có thể nghiện? Về bản chất cảm giác nghiện là nói về cảm giác được xoa dịu những phiền muộn, sầu não tâm lý. Nghiện là khi ta sử dụng một điều gì đó để giải quyết nỗi trục trặc nào trong đời sống.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy những nỗi bất an. Điện thoại có thể xoa dịu cảm giác bất an đó. Nhưng nó lại cũng có thể tăng thêm những nỗi bất an này.

Một số nhà nghiên cứu gọi smartphone như là "vật trấn an người lớn". Khi chúng ta buồn chán, đau khổ, đơn độc, nó là những thứ trấn an, xoa dịu tâm hồn ta. Và theo đó ta trở thành "con nghiện" của nó lúc nào không hay.

2, Để "cai nghiện điện thoại"

*Đừng nói "không thể", hãy nói "không": Khi đưa ra một cam kết thay đổi, hãy tự nhủ "Tôi không xem điện thoại hơn một lần trong một tiếng đồng hồ", không nói "Tôi không thể kiểm tra điện thoại hơn một lần trong một tiếng".

"Không" có tính quả quyết và dứt khoát hơn nhiều so với "không thể". Điều này tưởng là tiểu tiết, nhưng không phải vậy.

Một nghiên cứu liên quan tới những phụ nữ cần tham gia chương trình tập thể thao thường xuyên. Những người nói với mình "Tôi không thể bỏ tập" chỉ thành công 10%, nhưng những người nói "Tôi sẽ không bỏ tập" thành công tới 80%.

*Áp dụng chiến thuật "xa mặt cách lòng": Khi không nhất thiết phải dùng tới điện thoại, hãy bỏ nó ở chỗ bạn không dễ cầm tới. Trong trường hợp cần phải để nó ở gần, bạn hãy tắt tất cả những chế độ thông báo của các ứng dụng không cần thiết trên điện thoại.

*Dùng nguyên tắc dừng lại dứt khoát. Chắc hẳn bạn từng nhiều lần rơi vào tình huống tự nhủ mình sẽ chỉ check mail, kiểm tra Facebook, Twitter hay Instagram,… một lát thôi, nhưng rồi "một lát" đó kéo dài cả tiếng như không.

Hãy dùng nguyên tắc kỷ luật dừng lại của mình và kiên quyết tuân thủ nó, buộc mình hướng suy nghĩ tới những vấn đề khác ngoài điện thoại.

Cách tốt nhất là hãy dùng những câu có tính "khẩu quyết" kiểu như "Tôi không xem liên tục hơn hai chương trình này này, đó không phải kiểu người của tôi"….

*Thay bằng thói quen khác: Hãy đặt một cuốn sách ở gần chỗ bạn thường ngồi nhất những lúc rảnh rỗi thay vì để cái điện thoại ở đó. Theo đó, mỗi khi ngồi xuống, tay bạn sẽ với dễ dàng nhất với sách mà không phải mất công tìm chiếc điện thoại.

Còn nếu trong nhà không có sách, hãy cài đặt ứng dụng đọc sách ở vị trí to nhất, dễ thấy nhất trên màn hình điện thoại và thu vào trong, hoặc xóa đi những ứng dụng chỉ tổ gây mất thời gian cho bạn.

3, Vấn đề không phải chiếc điện thoại

Tình trạng "nghiện ngập" sẽ bắt đầu khi bạn phải chật vật đương đầu với những trắc trở của cuộc sống. Việc bạn kiểm tra điện thoại quá thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho một chứng nghiện điện thoại mà nguyên nhân từ những bất ổn sâu xa trong lòng mà ngay lập tức bạn không thể nhận ra hoặc không muốn thừa nhận.

Khi bạn có một cuộc sống trọn vẹn, sinh động, bạn sẽ có nhiều cách thức khác nhau để giải tỏa những nỗi phiền muộn của mình. Ví như bạn có những mối quan hệ tốt đẹp với những người yêu quý, theo đó cũng sẽ giảm bớt những sự "nghiện ngập" thuộc phạm trù hành vi.

Chuyên gia Adam tư vấn: "Nghiện thực sự liên quan tới việc xoa dịu một bệnh trạng tâm lý và điều này luôn đúng bất kể đó là chứng nghiện gì. Những người có mạng lưới trợ giúp xã hội mạnh mẽ, những người có một cuộc sống phong phú, thường sẽ không bị nghiện".

Vậy nên giải pháp lâu dài cho vấn đề "cai nghiện" điện thoại trên thực tế không phải là giải quyết chiếc điện thoại. Bạn cần có những tiếp xúc gần gũi hơn với một người có ảnh hưởng đặc biệt tới bạn, dành thêm thời gian cho họ.

Hãy để sự gắn kết tình cảm đó xoa dịu những nỗi lo lắng mà bạn thường mong muốn có thể giải quyết được thông qua cái điện thoại.

Và rồi sau đó, hãy để chiếc điện thoại sang một bên, bạn nhé!

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Sim ngũ quý iphone 15 pro max thông tin về vnptgroup gói cước 4g vinaphone
Liên kết hữu ích