Tiếng Việt | English

26/06/2017 - 10:36

Lặng thầm góp phần chặn “cái chết trắng”

Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, ngăn ngừa “cái chết trắng” luôn vô cùng khó khăn, gian khổ. Những năm qua, những người làm công tác ấy luôn phải chịu những thiệt thòi nhất định, có khi phải gác lại những hạnh phúc riêng tư vì công việc. Nhưng đổi lại, những người thầm lặng chặn “cái chết trắng” luôn hạnh phúc khi khám phá thành công một chuyên án hay có thể giúp được những người nghiện đoạn tuyệt được với ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.


Những người làm việc tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS luôn phải đối mặt với hiểm nguy khi thường ngày tiếp xúc với những người nghiện đến uống thuốc Methadone

Ngăn ngừa “cái chết trắng”

Theo Thiếu tá Phan Thị Tường Vy - Phó Trưởng phòng PV11, Công an tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.419 người nghiện có hồ sơ quản lý. Với tốc độ phát triển kinh tế, số người nghiện ma túy những năm gần đây có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn, khi phần đông số người nghiện đang có xu hướng chuyển từ sử dụng heroin sang ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy tổng hợp dạng đá. Sau khi sử dụng, người nghiện thường có các biểu hiện “ngáo đá”, không làm chủ được hành vi dẫn đến việc gây rối trật tự công cộng, quậy phá làng xóm và sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ.

Điển hình như vụ việc xảy ra vào cuối năm 2016 khi đối tượng Trần Danh Tiếng (SN 1980), ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, sau khi sử dụng ma túy đá liền cầm 2 con dao đi thẳng vào quán cà phê Thâu Quý tại thị trấn, rượt đuổi, chém những người trong quán, gây thương tích dù không hề có mâu thuẫn. Hay như ngày 09/3/2017, đối tượng Nguyễn Hoàng Huân (SN 1987), sử dụng ma túy đá rồi leo lên nóc nhà, dùng gạch đá ném thẳng vào xe môtô qua đường và chống trả người thi hành công vụ khi được can ngăn.

Trước những hệ lụy từ ma túy, theo Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh và các địa phương triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và tệ nạn ma túy. Riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an mở 2 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, tăng cường công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy trên 300 cuộc với hơn 15.000 lượt người dự, đặc biệt duy trì, tổ chức thường xuyên các cuộc giao lưu, nói chuyện chuyên đề trực tiếp với học sinh, sinh viên về phòng, chống tác hại của ma túy.

“Tính riêng trong 6 tháng năm 2017, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện và bắt giữ 20 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, bắt 26 đối tượng, thu giữ hơn 204g methamphetamine, hơn 13g heroin và nhiều tang vật liên quan khác. Đồng thời, tiến hành khởi tố 20 vụ với 25 bị can. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý người nghiện, lực lượng Công an trong toàn tỉnh lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 126 đối tượng, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 76 đối tượng và xử phạt vi phạm hành chính 392 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy với số tiền trên 340 triệu đồng. Ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy luôn là nhiệm vụ được lực lượng Công an tỉnh quyết tâm thực hiện vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân” - Thiếu tá Phan Thị Tường Vy cho biết thêm.


Những học viên vào trung tâm, ngoài cai nghiện còn được học nghề để sau khi tái hòa nhập cộng đồng có điều kiện chăm lo cuộc sống

Yêu nghề để gắn bó

Không chỉ có lực lượng Công an hàng ngày, hàng giờ chống lại các đối tượng mua bán ma túy mà ngay cả những người làm công tác điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cũng gặp không ít khó khăn, nguy hiểm khi phải đối mặt thường xuyên với người nghiện, nhưng ở họ vẫn lạc quan, gắn bó vì việc làm của mình góp phần không nhỏ vào công việc chung, góp sức đẩy lùi tệ nạn ma túy. Dược sĩ Phan Văn Thanh gắn bó với công việc này gần 4 năm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế, là một trong những người như thế.

Theo dược sĩ Thanh, từ khi Long An triển khai điều trị Methadone, hàng ngày, trung bình 2 dược sĩ phát thuốc của trung tâm phải trực tiếp phát cho từ 160-200 người nghiện. Đa số những người nghiện khi tiếp xúc đều là những người mang tiền án, tiền sự, thậm chí dùng nhiều lời lẽ thô tục chửi bới, đe dọa cả tính mạng nhân viên y tế trong lúc lên cơn. Có hôm, bệnh nhân đến đông cùng một lúc, chẳng cần xếp hàng, nhân viên trung tâm chưa kịp phát thuốc thì họ đã chửi bới, đe dọa chặn đường đánh, trong khi trung tâm không có lực lượng bảo vệ. “Nhiều khi lo sợ lắm, nhưng vì công việc nên mọi người đều nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình. Mặc dù làm việc xuyên suốt và chỉ được luân phiên nghỉ nhưng anh em vẫn luôn vui khi những việc mình làm sẽ góp được những điều tốt đẹp cho xã hội và góp phần chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy” - dược sĩ Thanh tâm sự.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: “Do đặc thù của công việc, cán bộ của trung tâm hàng ngày phải tiếp xúc với người nghiện, những đối tượng này thường rất manh động, mang theo cả hung khí nguy hiểm đi uống thuốc. Những lời đe dọa, chửi bới đối với cán bộ y tế là chuyện thường ngày. Nhưng anh em đều động viên nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Đến nay, sau gần 4 năm hoạt động, toàn tỉnh xây dựng được 4 trung tâm điều trị Methadone đặt tại TP.Tân An và các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc với 597 bệnh nhân được điều trị hàng ngày.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Võ Anh Tuấn, hiện tại, trung tâm đang quản lý 283 học viên cai nghiện. Hầu hết học viên vào cai nghiện tại trung tâm đều thuộc trường hợp cai nghiện bắt buộc, có tiền án, tiền sự. Khi mới vào trung tâm, các học viên thường có biểu tâm lý thiếu ổn định, luôn tìm mọi lý do để rời khỏi trung tâm. Và trong những lần ấy, có khi, những người làm tại trung tâm phải thức trắng đêm để canh chừng.

“Như trường hợp một học viên tại huyện Cần Giuộc, sau khi vào trung tâm những ngày đầu cắt cơn cai nghiện, học viên không chịu hợp tác, luôn tìm đến cái chết. Những đồ dùng sinh hoạt cá nhân như mùng, mền luôn bị học viên xé, nối lại để tìm cách treo cổ, hay nuốt những vật cứng vào bụng, cào cấu, đập đầu nhằm hủy hoại thân thể để viện cớ ra khỏi trung tâm. Những khi ấy, anh em cán bộ trung tâm lại phải thức trắng đêm để canh chừng. Những lời động viên tinh thần, an ủi, cố gắng của anh em cán bộ dần dần cũng được đền đáp khi học viên luôn chấp hành những nội quy, quy định tại trung tâm. Thông thường sau 3 tháng vào trung tâm, những học viên đều biết cúi đầu chào cán bộ, lễ phép khi gặp khách và quên đi những cơn nghiện vật vã từ ma túy. Và có lẽ, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của những cán bộ tại trung tâm chính từ những cuộc điện thoại hay tin nhắn đã đoạn tuyệt thành công với ma túy của học viên gửi đến sau quá trình cai nghiện tại trung tâm, trở về địa phương. Điều quan trọng nhất đối với những người làm công tác cai nghiện ma túy cho học viên tại trung tâm chính là tình yêu nghề, sẵn sàng gác lại niềm vui cá nhân cho công việc” - ông Võ Anh Tuấn cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết