Tiếng Việt | English

25/07/2021 - 19:23

Lật tẩy những chiêu lừa đảo mới phát sinh trong mùa dịch COVID-19

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã sử dụng các phương thức lừa đảo đa dạng để chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân của người dân.

Ngày 25/7, Công an thành phố Hà Nội thông tin: Thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ đối tượng giả mạo các tổ chức y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dân. Đáng chú ý, các vụ lừa đảo này đều sử dụng nhiều thủ đoạn đa dạng, lợi dụng nội dung, thông tin dịch bệnh, đánh vào tâm lý hoang mang, lo sợ lây nhiễm COVID-19, làm cho người dân mất cảnh giác và mắc bẫy.

Các đối tượng mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung cập nhật tình hình lây nhiễm COVID-19 trên thế giới và ở Việt Nam.

Một chốt kiểm tra, phòng chống dịch COVID-19 của Công an TP Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm

Ngoài ra, có một số đối tượng còn sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, điển hình như sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19. Tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch COVID-19.

Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết này, người dùng sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng của nạn nhân. Đánh vào tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19, các đối tượng sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm, phương thuốc có thể phòng ngừa virus như tác dụng của vaccine để lừa nạn nhân. 

Trong khi trên thực tế, các sản phẩm này đều chưa từng được kiểm chứng. Không những vậy, các đối tượng còn giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, mạo nhận là đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó. Có đối tượng lập nên các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng liền ngắt liên lạc và không giao hàng như đã thỏa thuận.

Ngoài ra, đối tượng cũng áp dụng chiêu mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng để lừa đảo người dùng. Hiện nay đường link ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro này đang lan truyền nhanh và rộng tới người dùng Việt Nam, như: "Adidas kỷ niệm 100 năm - nhấn vào để nhận quà"; tin nhắn kêu gọi tham gia "Quỹ phúc lợi Coca-Cola"; mạo danh Co.opmart gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng... nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm nhập hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp...


Fanpage Công an Thành phố Hà Nội trên Facebook là nơi người dân có thể tố giác tội phạm nhanh chóng, hiệu quả

Trước rất nhiều chiêu trò và thủ đoạn lừa đảo trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an TP Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;

Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần tự nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. https://congan.hanoi.gov.vn./.

Võ Nam/VOV.VN

Chia sẻ bài viết