Tiếng Việt | English

21/01/2020 - 13:58

Lễ chùa - Nét đẹp văn hóa của người Việt

Những ngày đầu năm mới, mọi người thường dành thời gian đi lễ chùa, cầu bình an, hạnh phúc. Đây được xem là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Từ lâu, phong tục đầu năm đi lễ chùa trở thành điều không thể thiếu trong gia đình tôi. Sáng mùng một, cả nhà quây quần chúc tết ông bà, cha mẹ rồi đi lễ chùa, cầu năm mới bình an, hạnh phúc. Ai cũng mặc quần áo tươm tất, chỉnh tề, đến chùa thắp nhang thể hiện lòng thành kính và gửi gắm những ước vọng hay đơn giản là tìm sự bình yên trong tâm hồn trong những ngày đầu năm mới. Có nhiều người đến chùa để cầu bình an, sức khỏe, có người thì cầu tài, lộc, có người cầu duyên nhưng cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên trong ngày đầu năm mới, xua tan đi những lo toan, bộn bề trong cuộc sống. Ai đi lễ chùa cũng không chỉ cầu an cho riêng mình mà cầu cho cả gia đình, những người thân yêu được hạnh phúc. Đó là nét văn hóa, ý nghĩa của phong tục lễ chùa đầu năm. Đi lễ chùa, ngoài những ý nghĩa tâm linh còn là dịp để gặp gỡ, chiêm ngưỡng cảnh chùa bình yên trong tiết trời mùa xuân ấm áp. Lễ đầu năm đã trở thành thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cuộc sống hạnh phúc, an vui. Tùy theo phong tục, ở mỗi vùng, miền có cách lễ chùa khác nhau nhưng đều hướng đến cầu bình an trong năm mới, tìm lại giây phút tĩnh tâm sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống. Có người, sau khi lễ chùa còn mang về cành lộc như cầu mong một năm mới sung túc, an vui.

Phong tục lễ đầu năm không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no mà còn là dịp để vun đắp cho những giá trị văn hóa tinh thần người Việt Nam, giúp mọi người hướng về cội nguồn và giữ gìn thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa của quê hương./.

Thương Thương

Chia sẻ bài viết